dongoclong2010

dongoclong2010

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Tác phẩm Đỗ Ngọc Thạch trên trieuxuan.info - trích: Đọc Chân dung và Đối thoại...


  1. Đỗ Ngọc Thạch - trieuxuan.info

    www.trieuxuan.info/?pg=tgdetail&id=495

    Đỗ Ngọc Thạch. Sinh ngày l9-5-1948, tại Phú Thọ. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Đại họcTổng hợp Hà Nội năm l976; đã tham gia quân đội 4 năm và làm việc tại ...
Thông tin tác giả
Đỗ Ngọc Thạch

Sinh ngày l9-5-1948, tại Phú Thọ. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Đại họcTổng hợp Hà Nội năm l976; đã tham gia quân đội 4 năm và làm việc tại các cơ quan:Trường Dự bị ĐH Dân tộc Trung ương, Viện Văn học, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Sở Văn hóa-TT tỉnh Gialai-Kontum (cũ), VPĐD Báo Văn Nghệ, Báo Lao động - Xã hội.

Chủ yếu viết phê bình, nghiên cứu VH-NT trên các Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Báo Văn nghệ...

Tác phẩm: Người tạc tượng nhà mồ (in chung, NXB Văn hóa Dân tộc,1986); Quà tặng tuổi hai mươi (8 truyện, NXB Công an Nhân dân, l994; bản in lần thứ 2 ở Hà Nội năm 2005 gồm 26 truyện).

Nơi ở: 2/2/33/44, Đường Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM.


Tel: 08.38611064
Bài đã đăng:Trở lại - Đầu trang
05.12.2013
Đọc Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa (lý luận phê bình văn học)
27.06.2013
Thái Vũ Và Tiểu Thuyết Lịch Sử (2) (lý luận phê bình văn học)
27.06.2013
Thái Vũ Và Tiểu Thuyết Lịch Sử (1) (lý luận phê bình văn học)
04.10.2012
Nhớ nhà văn Dũng Hà (những bài báo)
06.03.2011
Gỉai mã bài Bàn thêm về tiểu thuyết Hội thề (Thư trả lời nhà thơ Trần Mạnh Hảo) (những bài báo)
22.08.2010
Nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Vỹ (những bài báo)
16.02.2010
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
03.09.2009
Siêu mẫu chân dài (truyện ngắn)
04.06.2009
Âm mưu và tình yêu (truyện ngắn)
03.06.2009
Đêm giao thừa (truyện ngắn)
01.06.2009
Những trang web Văn học - Cầu nối tuyệt vời của Nhà văn - Tác phẩm và Bạn đọc(những bài báo)
29.05.2009
Chùm thơ về Tây Nguyên (thơ)
15.04.2009
Một cơ chế đặc thù của văn hóa (lý luận phê bình văn học)
01.04.2009
GS Đỗ Đức Hiểu và tác phẩm Đổi mới phê bình văn học (lý luận phê bình văn học)
01.04.2009
Kịch nói và cuộc sống hôm nay (lý luận phê bình văn học)
29.03.2009
Sinh ngày 30 tháng Tư (truyện ngắn)
24.03.2009
Cô gái Sơn Tây (truyện ngắn)
23.03.2009
Chuyện sinh ba (truyện ngắn)
16.03.2009
Ký ức Hà Nội (truyện ngắn)
16.03.2009
Đỗ Ngọc Thạch, thơ nhớ Hà Nội (thơ)
16.03.2009
Trạng Me đè Trạng Ngọt (truyện ngắn)
11.03.2009
Anh hùng đoán giữa trần ai (truyện ngắn)
10.03.2009
Người đưa thư (truyện ngắn)
09.03.2009
Đứa bé tật nguyền và nàng Tiên áo trắng (truyện ngắn)
05.03.2009
Chùm thơ về chiến tranh của Đỗ Ngọc Thạch (thơ)
27.02.2009
Lương y như từ mẫu (thơ)
27.02.2009
Bài ca "Mẹ trực đêm" (thơ)
25.02.2009
Qua sông bằng đò (truyện ngắn)
25.02.2009
Địa linh nhân kiệt (truyện ngắn)
22.02.2009
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
17.02.2009
Đọc tác phẩm: Đến hiện đại từ truyền thống (những bài báo)
16.02.2009
Đọc Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng (lý luận phê bình văn học)
10.02.2009
Quà tặng tuổi hai mươi (truyện ngắn)
Lý luận phê bình văn học
05.12.2013
Đỗ Ngọc Thạch
Đọc Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa
Cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa  vừa ra mắt đã ngay lập tức trở thành một “hiện tượng văn học” vốn đang rất buồn tẻ của đời sống văn học vào cuối những năm 1900. Đó là dấu hiệu mở đầu cho sự “trở dạ” của văn học khi chuẩn bị bước sang những năm 2000? Hay chỉ đơn thuần là vì “Thần đồng thơ ca” bỗng nhiên nhảy vào khu vực Phê bình văn học vốn luôn được xem là vừa thiếu vừa yếu nên người ta tò mò muốn xem Thần đồng “Nói Trạng” ra sao? Có lẽ là cả hai vì cái đám đông gọi là “công chúng văn học” kia không dễ gì bị lôi cuốn. Từ đó đến nay đã sắp qua 12 con giáp. Vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, nghe nói Chân dung và đối thoại sẽ được in lại trọn bộ hai tập (nhân kỷ niệm 10 năm tuổi?), song không hiểu sao vẫn chưa thấy? Lẽ ra tôi phải chờ Bản in trọn bộ mới viết bài này, nhưng chờ đến bao giờ thì chưa biết chắc. Vì thế. Cách chờ tốt nhất là cứ viết rồi sẽ điều chỉnh, bổ sung sau…

Thể loại của cuốn sách là điều khiến nhiều người băn khoăn. Nhiều nhận định táo bạo về các tác phẩm “đã được xếp hạng”, về các nhà văn đã được “Phong thần” khiến các nhà văn học sử không thể ngồi yên. Vì thế, bài viết này chỉ xoay quanh hai vấn đề trên, và tất nhiên chỉ chú ý đến những bài viết được dư luận quan tâm nhiều của Chân dung và đối thoại.

Có lẽ nên mở đầu bằng bài viết của Trần Đăng Khoa về Nguyên Ngọc , một nhà văn rất quen thuộc đối với công chúng và để lại dấu ấn rất đặc biệt trong đời sống văn học, nhất là vào thời kỳ Đổi mới. Nhìn chung, những nhận xét của Trần Đăng Khoa về tác phẩm của Nguyên Ngọc đều khá chuẩn: “Tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên, viết về anh hùng Núp. Cuốn sách vừa ra đời đã có tiếng vang lớn. Và cũng từ đấy hình thành một lối viết của Nguyên Ngọc theo kiểu Nguyên Ngọc. Lối viết này quán xuyến suốt một đời cầm bút của ông và có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn sau ông. Đó là viết về người thật việc thật và người tốt việc tốt. Nhân vật của Nguyên Ngọc đều bắt nguồn từ những nguyên mẫu có thật trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân mà ông từng tham dự. Sau tiểu thuyết Đất nước đứng lên, là tập truyện ngắn Rẻo cao. Đây mới thật sự là kiệt tác của Nguyên Ngọc. Tập sách rất mỏng, chỉ phong phanh chừng một trăm trang, gồm có sáu truyện ngắn, mà truyện nào cũng đặc sắc. Bây giờ đọc lại vẫn còn thấy rất hay, vẫn không cũ”. Và về những tác phẩm viết về thời chống Mỹ của Nguyên Ngọc, cũng không thể có nhận xét khác: “Đó là tập Đường mòn trên biển, kể về những người lính cảm tử của lữ đoàn 125 Hải quân, bí mật chuyên chở vũ khí vào Nam trong những năm chiến tranh, và tập Cát cháy, cũng lại viết về cuộc chiến đấu của những người bám trụ ở vùng Đất Quảng khốc liệt. Một đống tư liệu ngổn ngang bề bộn mà đọc lại rất hấp dẫn. Đấy là sức hấp dẫn của sự thật trần trụi, cũng là sự hấp dẫn của một tài năng. Phải nói đó là những tập sách hay của văn học ta hiện nay”. Viết về tính cách của Nguyên Ngọc thì rất…Nguyên Ngọc: “…Mà ông “gàn” lắm! Cực đoan lắm. Có người bảo, Nguyên Ngọc đã quyết cái gì thì không ai có thể ngăn cản nổi. Có túm tay ông kéo lại thì lập tức ông hóa thành anh La Văn Cầu, rút mã tấu chặt phéng ngay cái cánh tay bị níu giữ ấy mà xông lên. Việc từ chối tiền đầu tư cũng thế. Tôi biết Nguyên Ngọc rất nghèo. Số lương hưu của hai vợ chồng ông có đáng là bao. Nguyên Ngọc lại đi thực tế liên miên, mà đi xa, đi tự túc. Tính ông lại khảnh. Đã thế ông lại không chịu viết tạp. Thế thì làm sao mà có được tiền. Một lần nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đến thăm ông, thấy trên mâm chỏng trơ hai cái xoong. Một xoong cơm, một xoong canh. Thức ăn không cho ra bát. Người ăn cứ múc thẳng từ nồi. Đấy là lối ăn theo kiểu thời chiến của lính trận. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ rồi, vậy mà Nguyên Ngọc vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không biết đi xe máy, cũng không biết đi cả xe đạp. Cứ túc tắc cuốc bộ. Và ông bước phăm phắp như lính cắt rừng”. Về dấu ấn đặc biệt của Nguyên Ngọc để lại vào thời kỳ đầu Đổi mới cũng thật chính xác: “Điều đáng sợ nhất của văn chương ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ. Nó chỉ nhạt nhèo, không có sắc thái và cá tính. Nhưng nó lại được nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ủng hộ vì nó luôn bảo đảm sự ổn định và an toàn. Nó yếu đuối, không có sinh khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo. Nguyên Ngọc luôn dị ứng với căn bệnh ấy. Ông bộc lộ thái độ của mình qua hàng loạt những bài viết và cả các bài trả lời phỏng vấn. Còn sáng tác, ông vẫn viết theo lối cũ. Văn Nguyên Ngọc là một dạng văn có ma lực. Giản dị, chắt lọc và trong veo. Đó cũng là dòng văn chủ đạo rất cần có trong đời sống của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên nếu cả nền văn học mà nhìn đâu cũng chỉ thấy một kiểu Nguyên Ngọc thì cũng thật đáng sợ. Vì nó lại có gì như là không bình thường. Trong khi đó chúng ta lại rất cần sự đa dạng phong phú trong các giọng điệu cũng như bút pháp và cách tiếp cận hiện thực. Bởi hiện thực vốn như thế. Nó bao giờ cũng phong phú, đa dạng và phức tạp. Hình như Nguyên Ngọc hiểu điều này thấm thía hơn bất cứ ai. Bởi thế, mà ông yêu mến, ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh... Đó là những tài văn hoàn toàn khác ông, thậm chí phong cách sáng tác ngược hẳn với ông. Chấp nhận và ủng hộ những tài năng hoàn toàn khác mình, tôi nghĩ đấy cũng là một cái tài của Nguyên Ngọc. Không phải ai cũng có được cái tài ấy. Một người chuyên viết về người tốt, việc tốt, tài đến như Nguyên Ngọc, tốt đến như Nguyên Ngọc, không hiểu sao, lại có những người rất tốt, cứ nghi ngờ và thậm chí khăng khăng khẳng định Nguyên Ngọc là một người không tốt hoặc rất ...không tốt. Nghiệt ngã thay, có người còn nhìn ông như một kẻ nổi loạn… Đó là điều làm tôi rất đỗi kinh ngạc và có lúc tôi đã coi đó như là một nỗi bi kịch của cả cuộc đời ông…”. Đến đây thì người kinh ngạc lại là tôi: Một người cũng có thể gọi là “Ma xó” của Làng văn như Trần Đăng Khoa mà lại  … “không hiểu sao, lại có những người rất tốt, cứ nghi ngờ và thậm chí khăng khăng khẳng định Nguyên Ngọc là một người không tốt hoặc rất ...không tốt. Nghiệt ngã thay, có người còn nhìn ông như một kẻ nổi loạn…”. Và tôi nghĩ rằng nếu như quả thật Trần Đăng Khoa không hiểu được “Bi kịch của cuộc đời Nguyên Ngọc” thì tất cả những gì đã viết về Nguyên Ngọc ở trên đều không còn ý nghĩa gì nữa!

Nói đến “Bi kịch của đời văn” mà cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa có đề cập đến thì “Bi kịch” của Nguyên Ngọc chưa là gì so với “Bi kịch” của Phù Thăng (3). Có lẽ chân dung Phù Thăng là hay nhất, viết giỏi nhất trong Chân dung và đối thoại, và so với rất nhiều những Chân dung văn học khác của các nhà văn khác hiện nay thì Phù Thăng có thể xếp trong Top Năm, Top Ba. Và có lẽ đoạn kết của bài viết là ấn tượng nhất, kết mà lại mở ra sự liên tưởng không cùng:

 “Đó là dạo Quân khu Ba kỷ niệm lần thứ 50 ngày sinh của mình (1946-1996). Cục chính trị cho mời toàn thể anh em văn nghệ sĩ của Quân khu về Hải Phòng gặp mặt. Chúng tôi vừa tới Cục chính trị thì cô tiếp viên nhà khách đã đon đả: Các bác lên đi. Trên đó nhiều phòng lắm... Anh em đến đủ chưa? Lê Lựu hỏi lập bập. Trên đó chỉ có một bác Thăng ở Hải Dương thôi. Có phải bác Phù Thăng không? Cháu không rõ. Chỉ biết bác ấy tên là Thăng. Hình như bác La Thăng gì đó. Bác ấy vẫn làm bài hát mà. ở đây toàn các bác múa hát thôi. Các bác ấy đàn sáo suốt đêm qua. Vui lắm.

Tôi bổ lên nhà khách. Đèn sáng choang, nhưng chẳng có ai cả. Trên cọc màn treo lủng lẳng một cái áo trấn thủ thủng lỗ chỗ như những vết đạn bắn. Có lẽ Phù Thăng thật. Mà đúng là Phù Thăng. Khi chúng tôi đang ngồi uống trà, thì Phù Thăng tất tả bước vào. Ông mặc tấm áo may-ô vàng ố, cái quần kaki đã bạc, ống thấp, ống cao. Phù Thăng như từ thửa ruộng cày bước thẳng vào phòng khách. Thấy chúng tôi, ông sững lại, rồi reo òa lên như một đứa trẻ:

- Ối giời, các ông! - Và rồi, thật bất ngờ, Phù Thăng sụp xuống.- Tôi lạy ông Khải, tôi lạy ông Lựu, tôi lạy ông Khoa!

Ô hay, sao lại thế này? Lê Lựu há hốc mồm kinh ngạc. Nguyễn Khải đứng dậy, luống cuống. Xưa nay người ta thường chỉ lễ người chết, chứ có mấy ai lễ người sống bao giờ. Thương nhau, biết nhau cả, mà rồi đằng đẵng mấy mươi năm chẳng gặp được nhau, thì dẫu có sống cũng coi như người đã khuất núi rồi. Bởi thế mà Phù Thăng mới lạy chúng tôi, nước mắt lã chã. Cả ba chúng tôi đều cuống lên, chẳng biết làm sao, cũng sụp xuống, xá lại. Hai bên lụp cụp lạy nhau. Các cô phục vụ nhà khách kéo đến, tưởng các bác diễn tuồng.

- Trời! Tôi không thể nghĩ mình còn có dịp được trông thấy các ông nữa!

Phù Thăng nói bằng giọng mếu máo. Ông ngồi lọt thỏm trong ghế sa-lông. Một ông già nhỏ thó, đen đúa. Hàm răng đã rụng hết. Trông ông teo tóp như một hạt thóc lép. Chỉ có đôi mắt là long lanh sáng. Hình như toàn bộ sức sống của cả con người ông, đều gom lại trong đôi mắt ấy. Trời, tôi không ngờ, không ngờ... Phù Thăng vẫn thều thào. Quả cũng bất ngờ thật. Nguyễn Khải ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Lựu ở Hà Nội, Phù Thăng ở làng Tất Lại, Hải Dương. Ba ngọn núi kỳ dị của đồng bằng Bắc Bộ ấy, ai ngờ lại có dịp ngồi ngắm nhau. Bởi thế, Phù Thăng vẫn chưa hết bàng hoàng của một người trong cõi mộng.

- Không biết sau lần này, chúng mình liệu còn có dịp nào được gặp lại nhau nữa không nhỉ? Chắc là không... không đâu...

- Gặp chứ! Gặp chứ!

Lê Lựu nói lắp bắp, rồi đưa tay vỗ tóp tép vào cái đùi tong teo của Phù Thăng, rồi lại nắm cái đầu gối củ lạc của ông mà lắc lắc. Đoạn, anh ghé tai Phù Thăng, hỏi một câu gì đó, chắc là về tình ái. Thế là Phù Thăng cười tóa lên, mặt rúm ró.

Chuyện vã một lúc, Lê Lựu rủ mấy anh em xuống thăm các anh chị văn công đang om xòm tề tựu ở khu nhà dưới kia. Đi di, ngồi ru rú ở đây làm quái gì. Mấy khi có dịp thế này. Đêm nay ta ra đồi, nhảy Va-xi-lô với mấy mẹ xanh đỏ, bác Thăng nhé!

Phù Thăng lại phều phào cười. Chúng tôi bước lững thững trên con đường mới rải nhựa, bảng lảng sương khói. Xa kia, sau đồi Cò, mảnh trăng non cong vắt như cái khoẳm trâu mà một gã thợ cày nào đó vừa quăng lên bầu trời. Phù Thăng bước bẫng lẫng. Ông bảo tôi:

- Lúc nào Khoa cố gắng bớt chút thì giờ ghé về nhà mình chơi. Mình muốn nhờ ông đọc giúp mấy cái truyện. Đọc để biết thôi. Chứ in thì chắc khó lắm. Thời kinh tế thị trường bây giờ, để in một cuốn sách, phải bán đến dăm sáu tấn thóc thì mình chịu. Kiếm đâu ra nổi số thóc lớn như thế.

Đối với Phù Thăng bây giờ, quả là mọi thứ chỉ còn biết trông vào hạt thóc. Và câu chuyện mini của ông xưa, lại ám ảnh tôi, chợt làm tôi ớn lạnh. Bất giác, tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sẫm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy...”(Viết xong 5-1996 - Chân dung và đối thoại, NXB Thanh Niên, 1999, tr. 61-75). Tuy nhiên, tôi lại luôn nhớ vài dòng này trong Phù Thăng của Trần Đăng Khoa: “Ngày cày ruộng quần quật, đêm lại chong ngọn đèn dầu, cặm cụi cày trên cánh đồng giấy trắng rợn, trắng đến sờn cả da gà. Bà vợ hơn ông hai tuổi lại rên rẩm: Thôi! Tôi lạy ông! Đừng viết nữa. Khổ thế này còn chưa đủ sao. Nhất nhỡ lại sa sẩy nữa thì sống sao nổi. Ông già rồi. Nhưng Phù Thăng làm sao bỏ viết được. Cái nghiệp văn chương nó thế. Không phải ông chọn văn chương mà chính văn chương đã chọn ông để đày đọa để hành hạ ông trong cõi người này”.

Cũng có nhiều người khen chân dung Phù Thăng của Trần Đăng Khoa. Tuy nhiên, nếu không đọc thêm chân dung Phù Thăng của Xuân Sách  thì chưa có được một chân dung hoàn chỉnh về Phù Thăng. Xin dẫn lại đây bức chân dung Phù Thăng bằng thơ của Xuân Sách và một vài đoạn nói về việc Phù Thăng “gặp nạn” trong bài viết nói trên của Xuân Sách mà trong bài của Trần Đăng Khoa không có:

Chuyện kể cho nguời mẹ nghe

 Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang

Đứa con nuôi của Trung đoàn

Phá vây xong lại chết mòn trong vây!

  … “Sau đó (*) chúng tôi được gọi về dự trại sáng tác của Tạp chí VNQĐ thật.Trại đặt ở Thanh Liệt ngoại thành.ở trại Phù Thăng viết tiểu thuyết Phá vây khiến tiếng tăm nổi như cồn, nhưng cũng vì Phá vây mà anh phải hứng chịu một tai nạn cực kỳ vô duyên và đắng cay tới số.

 Hồi đó chúng tôi còn trẻ, làm lính nếm mùi bom đạn nên bớt sợ súng,còn về văn chương thì đúng là “điếc không sợ súng”.Chúng tôi lao vào công việc như trâu bò, trời nóng, không có quạt, điện chập chờn chỉ có mấy bóng đèn đỏ quạch,đêm muốn viết phải chong đèn dầu, sáng ra thằng nào thằng nấy lỗ mũi đen xì vì hít muội khói. Hoàng Văn Bổn xương xẩu vêu vao cày đã ghê nhưng còn kém Phù Thăng một bậc.Trong vòng hơn một tháng hắn viết được hơn ba trăm trang bản thảo.Viết bằng bút thường chấm mực trên khổ giấy pơ luya mỏng đặt trên tờ bìa dày có kẻ hàng làm chuẩn.Chữ hắn đều tăm tắp đẹp mê hồn. Sau này đưa xuống nhà in công nhân cứ thế sắp chữ lên khuôn in ra trên 600 trang (có thể ghi vào kỷ lục Ghinet).

 Phá vây bán chạy như tôm tươi, dư luận khen ngợi. Đề tài chiến tranh địch hậu còn mới, là quyển sách hay vào thời đó (1961). Tiền nhuận bút so với bây giờ là rất cao. Trên ba ngàn đồng, trừ ăn khao Phù Thăng còn xây được ngôi nhà ở quê cho cha mẹ, hắn khoe với tôi không kém gì nhà chánh tổng và coi như đã làm được việc báo hiếu.

 Thời đó người viết ít, có sách được in càng hiếm.Thơ văn thường in chung, ai giỏi lắm mới được in riêng một tập trên dưới trăm trang có hàng chữ ngang trên đầu “Tác phẩm đầu mùa”. Năm 1962 tôi cũng được NXB Văn học cho in một tác phẩm đầu mùa chưa được trăm trang mà đã sung sướng lắm. Huống chi Phù Thăng xuất hiện với cuốn tiểu thuyết dày cộp, lại được dư luận chú ý thì quả là một hiện tượng. Cứ thế mà “phù nổi”mà “thăng thiên” thì cũng không có gì quá đáng. Khao bạn bè ở cửa hàng nổi tiếng với menu tám món trên phố Hàng Buồm giá cố định cứ 5 đồng một người. Khổ chủ Phù Thăng đặt vò ruợu nút lá chuối khô lên bàn tuyên bố:

 -Tôi định chiêu đãi các ông suất 10 đồng, nhưng quy định ở đây chỉ có thế, vò ruợu này tôi lên tận làng Vân mua về mời các ông chiếu cố. Một người nâng cốc: -Nào chúng ta cùng cạn chén … phá vây cùng tác giả.

Vậy mà tai họa ập đến như tiếng sét giữa trời quang. Năm 1962 ở Liên Xô nảy nòi một bọn “xét lại”, chống đường lối xây dựng CNXH, xét lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nước ta phải hưởng ứng việc ngăn chặn loại trừ tận gốc tư tưởng đó càng nghiêm càng tốt. Tôi không hiểu vì sao, lần này và nhiều lần sau nữa, cứ có biến động chính trị xã hội gì xảy ra thì người ta chọn ngay giới văn nghệ để tiến hành đấu tranh tư tưởng trước và ưu tiên cho các tác  phẩm văn học. Và hai tác phẩm “điển hình” lần này là Vào đời của Hà Minh Tuân  và Phá vây của Phù Thăng.

 Nhà văn Hà Minh Tuân lúc này đang là Giám đốc NXB Văn học. Trước Vào đời ông đã có hai tiểu thuyết là Trong lòng Hà Nội và Hai trận tuyến. Tiểu thuyết nghiêng về hồi ký. Ông hoạt động từ thời “tiền cách mạng”, là một trong những chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ Thủ đô thời 45-46. Nhưng ông rẽ sang đường văn, nếu không đã làm to. Ông được anh em nhà văn yêu mến tin cậy bởi quan niệm, cách làm việc và nhất là tư cách của ông. Khi viết xong “Vào đời” dù in ở “nhà mình” ông vẫn cẩn trọng đưa cho anh em biên tập đọc, còn có hàm ý muốn được góp ý vì các biên tập viên đều là bậc đàn anh trong nghề như chị Anh Thơ, anh Quang Dũng, anh Xuân Hoàng v.v… Tác phẩm này ông viết về đề tài hiện đại, lớp thanh niên mới vào đời, tích cực là chính, tiêu cực so với thực tế lúc đó cũng chưa là gì cả, chỉ như gảy vài cái mụn ghẻ trên cơ thể. Ban biên tập đọc xong bàn riêng với nhau: - Văn chương của cụ như vậy cũng là được, suôn sẻ, chỉn chu, còn nội dung tư tưởng thì khỏi  lo, cụ mà còn “mất lập trường” nữa thì cánh chúng ta đi tù cả nút.

  Điều không may quyển sách lại ra đời đúng thời điểm lửa bỏng thế là nên chuyện. Hà Minh Tuân mất chức giám đốc, mọi người chỉ biết thế, không ai dám bàn tán vì sợ cháy thành vạ lây. Một thời gian dài sau đó một lần tôi tình cờ gặp ông trên phố, tôi chào ông và hỏi thăm xem ông làm việc ở đâu. Vẫn với thái độ nhã nhặn, nụ cười hiền hậu vốn có ông trả lời: - Cám ơn anh có lời hỏi thăm, tôi chuyển sang Bộ Thủy sản làm ở Vụ Cá nước lợ. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tên một cơ quan như vậy. Rồi ông cầm tay tôi nói tiếp: - Bây giờ tôi biết thêm một chút về “người nước lợ” nhưng cá nước lợ thì vẫn mù tịt.

 Tôi nghĩ chắc vì nhân thân, vì thành tích họat động cách mạng dày dặn của ông mà ông thoát được việc đi cải tạo lao động. Nhận một công việc tréo ngoe như thế cũng là cách “ngồi chơi xơi nước”mà cả hai bên đều chấp nhận được. Thế cũng là may, nhưng không hiểu sao khi tạm biệt ông tôi lại có một linh cảm tệ hại là ông sẽ phải chịu cay đắng nhiều hơn thế. Rất buồn là tôi không nhầm. Có thể nói số phận ông thê thảm hơn tôi tưởng. Ông trở thành một ông già cô độc, trắng tay, vợ con, nhà cửa, bạn bè… mất hết, ra đi như một người cùng khổ lẩn thẩn ngơ ngác mà không biết mình phạm tội tổ tông gì.

Và lần ấy tôi đã viết chân dung ông với dự cảm không lành đó:

Bốn mươi tuổi mới vào đời

Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ

Giữa hai trận tuyến ngu ngơ

Trong lòng Hà Nội bây giờ ở đâu

 Còn Phá vây như tôi đã nói ở trại viết tất cả các bản thảo đều được tác giả đọc trước toàn thể trại viên để đóng góp ý kiến. Phá vây đọc ròng rã trong hai ngày.Trong buổi góp ý gần như mọi người đều đánh giá tốt, không có “vấn đề” về nội dung, chỉ có một số ý kiến về chi tiết để tác giả sửa chữa. Hôm đọc có cả đại biểu đặc biệt là biên tập viên NXB Quân đội. Sau khi sửa chữa lần cuối, bản thảo được đưa về Nhà xuất bản làm thủ tục rồi đưa luôn xuống nhà in không cần đánh máy. Thời bấy giờ in một cuốn sách dày như Phá vây mất rất nhiều thời gian, và đã xảy ra một chuyện ngoài dự đoán của mọi người.

Trong thời gian theo dõi và chữa bông ở nhà in, Phù Thăng được đọc cuốn “Tấc đất”, cuốn sách viết về chiến tranh vệ quốc của Liên Xô do NXB Quân đội dịch và in.Tác giả Phá vây rất thích cuốn này, bởi Liên Xô đã qua chiến tranh hơn một thập kỷ, tác giả Tấc đất với độ lùi thời gian đã thể hiện chiến tranh với những khía cạnh  mặt trái. Từ cảm nhận đó Phù Thăng có ý muốn sửa chữa đôi chỗ trong tác phẩm của mình. Sách đã lên khuôn không thể sửa nhiều, anh chỉ thêm một đoạn cho nhân vật chính của mình được đa dạng phong phú hơn trong tư tưởng. Đoạn văn “oan nghiệt” đó lúc in ra chỉ được hơn chục dòng ở đọan cuối trang 147. Vậy mà trong chiến dịch kia người ta đã “soi”đúng những dòng đó và kết luận: “Người chiến sĩ đi chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn tính toán được mất thì đấy là tư tưởng của lái trâu”.

 Và lão “lái trâu” Phù Thăng lập tức ăn đòn, anh bị ra khỏi quân đội chuyển sang xưởng phim. Đấy là kỷ luật không nhẹ thời đó. Phù Thăng là người có nghị lực không chịu gục ngã. Sang cơ quan mới anh viết kịch bản “Biển lửa”được dựng thành phim. Anh còn in tập truyện ngắn “Chuyện kể cho người mẹ” và tập sách cho thiếu nhi “Đứa con nuôi của Trung đoàn”. Người ta chưa quên Phá vây và lần này tập sách viết cho thiếu nhi cũng bị soi và tìm ra vết. Lúc này lại xảy ra một chuyện nữa, đạo diễn nổi tiếng Phạm Văn Khoa dựng phim Chị Dậu, ông chọn một số diễn viên là nhà văn. Cụ Nguyễn Tuân vai chánh tổng, Kim Lân vào vai Lý trưởng còn Phù Thăng vinh dự được nhận vai thằng Mõ. Một sự lựa chọn xác đáng, anh chàng có cái đầu to người nhỏ lại thiếu hai cái răng cửa, da đen đúa đánh một hồi mõ, há cái miệng rộng: Chiềng làng chiềng chạ y chang thằng mõ hết chê. Máy đã bấm không hiểu tại sao cái “tin dữ”đó bay về tận cái làng Tất Lại Thượng, Tứ Kỳ, Hải Dương quê anh. Và người nhà lên tận Hà Nội kéo Phù Thăng về quê.

Họ Nguyễn Trọng họp chất vấn: - Cái họ này đã đến nỗi nào mà anh đang tâm bôi xấu, tưởng anh đã làm ông này ông nọ, sao lại đổ đốn đi làm thằng mõ ?

 Phù Thăng lúc đầu cười khơ khớ giải thích về vai trò diễn viên trong nghệ thuật thứ bảy, thằng mõ diễn viên khác hẳn thằng mõ ngoài đời. Vô ích, các cụ có lý lẽ của mình: - Anh là nhà văn đã viết được quyển sách to đùng, vang danh cả nước, bây giờ anh lại làm thằng mõ trong phim chiếu cho cả nước xem, mặt mũi bày ra đấy làm sao chối được. Chúng tôi đi ra khỏi nhà chỉ cần người ta bóng gió họ Nguyễn Trọng làng này mộ tổ phát lớn hay sao mà ông nhà văn bây giờ lại được làm thằng mõ. Chúng tôi bàn rồi, anh chỉ có hai con đường, một là bỏ thằng mõ, hai là bỏ cái họ này, bỏ cái làng này đi đâu thì đi.

  Không còn đường nào khác Phù Thăng về Hà Nội xin thôi việc, lĩnh “Một cục”trở về làng làm dân thường. Từ đó “thằng Phu” vác cày ra ruộng đi sau con trâu, “thằng Phu” chọn cây tre buộc túm lá chuối khô làm sào chăn vịt.

Trích thư Phù Thăng gửi Xuân Sách ngày 23 /10 /1992 (khi “ Chân dung nhà văn” được xuất bản):

"Mình chưa được đọc nó, nên không biết phải nghĩ thế nào trước dư luận khen chê hiện nay (có khi bản thân ông thì cũng cóc cần các thứ dư luận ấy), nhưng vì tôi là bạn từ thuở hàn vi, đã cùng ông trải bao điều cay đắng nên không thể “mũ ni che tai” được. Tôi thực sự lo ngại cho những ngày còn lại trên cuộc đời bão giông trong lúc lưng ông đã còng, chân ông đã mỏi, mà tôi không biết phải làm gì cho bạn trong hoàn cảnh “ốc còn chưa mang nổi mình ốc”. Có bao giờ ông trở lại mảnh đất của thời thanh niên sôi nổi nữa không ? Mình khao khát được trông thấy ông một lần trước khi ra đi mãi mãi.

Mình đang sống “yên phận chăng”? Đúng và không đúng!i Mình vẫn muốn đổi thay, vẫn muốn lồng lên đấy, nhưng lực bất tòng tâm rồi. Càng thấm thía câu thơ của Trần Huyền Trân trong “Độc hành ca”2: Ngựa hồ thôi gió bấc nào đạp chân . Phải có con ngựa nào không đạp chân khi gió bấc về ? Có con ngựa nào không muốn tung vó khi gió của thảo nguyên đang gọi?...

 Trích thư Xuân Sách gửi Phù Thăng ngày 15/11/1992:

...Từ khi cái “của quý” của tôi ra đời, tôi đã nhận được nhiều thư từ, nhiều bạn cũ bạn mới đến thăm, nhiều cuộc gặp gỡ nhưng khi nhận thư ông tôi thực sự xúc động. Nói cho cùng đời vẫn đáng sống ông ạ. Dĩ nhiên so với ông tôi có khấm khá hơn, điều đó làm tôi càng thương ông .

Chuyện về tập chân dung thì dài lắm, đến nỗi tôi có đủ tư liệu để viết một quyển sách về nó .Thư, tài liệu trong nước ngoài nước, nhưng hay nhất là thái độ của mọi người đối với nó, qua đó có nhiều ngẫm nghĩ về sự đời sự người thật thú vị. Có thể tóm tắt cho đến lúc này sự phản đối thấp hơn so với dự kiến của tôi, sự hoan nghênh thì ngược lại, đến nỗi tôi phải luôn tâm niệm câu thơ:

“Vị tướng không chết ở chiến trường, nhưng có thể chết vì tiếng kèn chiến thắng”. Tôi cũng không đánh giá tập thơ có gì “ghê gớm” nhiều người thích nó bởi cái xu hướng người ta muốn biết sự thật, thích sự trung thực và can đảm. Có đứa em cọc chèo viết thư cho tôi vẻn vẹn một câu:      

“ Anh Sách ơi anh có thể chết được rồi .” Nhưng tôi làm sao chết được . Tôi định nghỉ công việc nhà nước, dùng thời gian để viết, để đi ngao du Nam Bắc một chuyến đi ấy nhất định tôi sẽ chấm cái “điền trang” của ông là một điểm dừng trong cuộc hành trình mới thỏa.

(*) Sau đó: sau khi Xuân Sách và Phù Thăng làm việc ở công trường Đại thủy nông Bắc Hưng Hải.

Những bài viết về Lê Lựu (5), Nguyễn Khắc Trường (6), Nguyễn Đức Mậu (7) đều là những chân dung văn học có bản sắc độc đáo của của Trần Đăng Khoa. Có lẽ do Trần Đăng Khoa và ba nhân vật này không chỉ là người cùng ở số 4 Lý Nam Đế mà rất thân nhau cho nên biết rõ “gan ruột” của nhau. Cứ nhìn cái cách Trần Đăng Khoa vẽ chân dung ba “cựu binh” này thì thấy nhận định của tôi vừa nói là không sai. Đây là cha đẻ của Thời xa vắng:

 “Cứ xem cái tướng mạo, cái hình dáng, kiểu cách bề ngoài thì chẳng ai nghĩ Lê Lựu là một nhà văn. Trông anh nhôm nhoam, luộm thuộm và lúc nào cũng tất tả, nhếch nhác như một gã thợ cày vừa từ một thửa ruộng ngấu bùn nào đó bước lên. Gương mặt, đầu tóc, quần áo và toàn bộ con người anh như đang toả ra mùi bùn đất, mùi nắng gió, bụi bặm của một vùng đồng bãi châu thổ sông Hồng. Con người ấy có đắp com-lê, cà vạt, mũ phớt, kính gọng vàng, giày Mô-ka, nghĩa là tất cả những trang bị, phụ tùng tối tân nhất của đời sống đô thị, thì trông anh vẫn chẳng ra anh trí thức, cũng chẳng ra người thành phố. Mặc dù Lê Lựu sống ở Hà Nội, lấy vợ đẻ con ở đất kinh kỳ này, đã từng nện gót trên nhiều đường phố lớn thế giới, lại ba lần sang Mỹ, nhưng anh vẫn là gã lực điền của vùng đất bãi Khoái Châu, Hưng Yên. Lê Lựu như hòn gạch xỉ, hay nói đúng hơn - như một tảng đá hộc. Đó là một tảng đá nguyên khối, xù xì của thiên nhiên hoang dã mà đời sống hiện đại đô thị và nền văn minh thế giới không thể đẽo gọt được, cũng không thể tác động vào được. Cái chất quê kiểng đặc sệt này là cái duyên riêng của Lê Lựu, cũng là cái Lê Lựu hơn người.

Lê Lựu viết chậm, mỗi ngày vẻn vẹn vài trang, có khi chỉ mấy mươi dòng, rồi vạy vó mãi đến mấy ngày sau mới bắt được vào mạch truyện. Vậy mà năm nào Lê Lựu cũng có sách. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh ra đời vào năm 1975, có tên là Mở rừng. Theo tôi, đây là cuốn tiểu thuyết vào loại khá của văn học Việt Nam những năm 70. Vậy mà không một nhà phê bình nào nhắc đến nó. Bạn đọc cũng không để ý. Cuốn sách bị quên lãng, tôi nghĩ, một phần cũng vì cái tên gọi.

…Bấy giờ, nhân vật chính của Lê Lựu trong các tập sách phần lớn là nông dân, hoặc nếu không thì cũng là nông dân cầm súng. Mọi vui buồn của họ đều gắn với những tập tục ở nơi xóm mạc. Và rồi nương theo cái mạch ấy, Lê Lựu động chạm đến làng quê, có khi chỉ chấm phá đôi ba nét qua mấy câu đối thoại ngắn gọn của nhân vật, ngòi bút Lê Lựu bỗng như xuất thần, như động gió và tỏa hương. Đọc, biết anh tiềm tàng một vốn sống trù phú về làng mạc quê kiểng, nhưng cái mỏ vàng đầy rưng rức này, ông chủ tư bản giàu có kếch xù lại chưa hề khai thác lấy một thỏi nhỏ.

Mãi sau này, vào những năm 80, khi tiếng súng của cuộc chiến tranh đã ngưng hẳn trong tâm trí mọi người, và dư âm dai dẳng của nó cũng tạm lắng xuống, trong lúc người ta đổ xô ra xem mấy cái Cù lao(*) vừa mới nổi lên và reo hò ầm ĩ, vì đã tưởng tìm ra được một vườn địa đàng, chẳng ai còn để ý tới lũ tôm tép, huống hồ bọn rong rêu, bèo bọt vật vờ Lê Lựu cảm thấy yên tâm. Anh vác xẻng đi đào mỏ. Và rồi cứ từng khối vàng ròng nguyên chất, Lê Lựu huỳnh huỵch đắp một cái lô-cốt, rồi đặt cho nó một cái tên rất văn chương, rất thi ca: Thời xa vắng

Với ba trăm trang sách, tiểu thuyết Thời xa vắng đã ôm chứa một dung lượng lớn. Đấy là một chặng đường lịch sử oai hùng. Chặng đường ba mươi năm, từ buổi lập nước đến lúc giải phóng xong toàn bộ đất nước. Lịch sử được khái quát bằng tiểu thuyết, bằng số phận có thể nói là bi thảm của anh nông dân Giang Minh Sài. Đây là loại tiểu thuyết bám sát số phận một nhân vật. Có thể gọi nôm na là chuyện Anh Sài. Nhưng cuốn sách có nhiều tầng, nhiều lớp. Người đọc tùy theo sự từng trải của bản thân mình mà tiếp nhận nó theo một cách khác nhau. Riêng đối với một số bạn đọc thông thường, có thể coi đây là cuốn sách viết về hôn nhân gia đình. Trong chuyện có tảo hôn, cưới vợ đẻ con, cãi cọ, ra tòa ly dị, chia tài sản, con cái. Riêng cái vỉa này cũng đã đủ là một cuốn sách thú vị. Những chuyện chăn gối, hay cảnh sinh hoạt vợ chồng thành phố, vợ chồng nhà quê rất sinh động.

…Nhưng tất cả những ngón trò ấy chỉ là những lớp phụ. Còn chính kịch Thời xa vắng lại không diễn ở sân khấu ồn ào náo nhiệt mà ẩn khuất phía hậu trường và diễn bằng sự im lặng. Sự im lặng của núi băng trôi chìm dưới nước, chỉ lờ phờ nhô lên ít chỏm, là những sôi động như đã thấy ở trên kia.

Vậy  Thời xa vắng đề cập đến vấn đề gì? Núi băng chìm dưới nước kia chứa cái gì vậy? Không phải chuyện chiến tranh. Không phải chuyện hôn nhân. Thế thì chuyện gì? Chuyện Thời xa vắng! Thì Lê Lựu đã nói thẳng ra thế, nói ngay ở ngoài bìa sách. Anh đâu có bí hiểm đánh đố độc giả. Đây là chuyện của một thời mà Lê Lựu gọi nó là Thời xa vắng. Xa mà không xa. Nó vẫn ngự trị, vẫn treo lơ lửng đâu đó ở trên đầu mỗi người như một bóng ma. Nó là nỗi ám ảnh kỳ quái, nhưng lại có sức mạnh thần linh. Và vì nó tồn tại vô hình, nên người ta mới sợ. Sài sợ. Anh Tính sợ. Cả ông Hà bí thư, người lãnh đạo cao nhất trong Thời xa vắng cũng sợ nốt. ở cái xứ sở kỳ quái ấy, con người dường như chỉ tồn tại mà không được sống, không được làm người, Sài đã chiến đấu quyết liệt để giành lại cho mình cái quyền làm người ấy và anh đã thất bại thê thảm. Lúc đầu anh phải yêu cái người khác yêu, khi được tự do yêu lại đi yêu cái mình không có. Lúc thất bại ê chề, lúc đã cạn lực, Sài mới nhận ra mình, nhận ra chỗ đứng thực sự của đời mình, anh vác ba-lô trở lại vùng quê, trở lại với mấy cái lò gạch, mấy cái lò đậu phụ lập lòe ánh lửa..

Tựa vào cái cốt truyện đơn giản ấy, Lê Lựu đã dựng lên một loạt bức tranh nông thôn đặc sắc. Có nhiều trang đạt tiêu chuẩn Nam Cao. Có thể nói tắt từ Nam Cao, qua một chút Kim Lân, đến Nguyễn Khắc Trường và Lê Lựu, chúng ta mới lại có nhà văn nông thôn thứ thiệt. Lê Lựu không nhìn người quê, cảnh quê bằng con mắt đô thị như một số nhà văn nổi tiếng khác. Anh là người quê nói giọng quê, với cách cảm nhận của người dân quê.

Nhưng khi cầm cuốn sách lên, chỉ lật qua vài trang là đã bị nó cuốn hút, nó đánh bùa ngải. Người ta có thể quên văn mà nhớ chuyện đời. Và chuyện đời diễn ra trong cái cốt truyện cũng chẳng có gì ly kỳ, nhân vật cũng không rắc rối, chỉ có một tuyến, không có địch cũng chẳng có nhân vật phản diện. Tất cả đều là những người tốt, những người trung thành, tận tụy, có lý tưởng cao cả, muốn mang lại hạnh phúc thực sự cho mọi người. Nhưng kết quả thì ngược lại. Việc thiện lại thành ác. Người ta làm khổ người khác, tàn hại người khác bằng chính lòng tốt của mình. Có người hóa thân tàn ma dại, và đau đớn thay, họ lại là nạn nhân của lòng tốt, của những ý tưởng cao cả. Đấy là nỗi bi thảm của Thời xa vắng. Người đọc nào cũng thấy phảng phất chút ít bóng dáng của mình trong nhân vật Sài.

Viết cuốn sách này, Lê Lựu đã xổ hết gan ruột mình ra trang giấy, Anh bơ phờ rời bàn viết, bủn rủn và rệu rạo như một người đàn bà vừa đẻ xong.

Trong bụng rỗng tuếch chẳng còn gì nữa. Ai hiểu đời tư Lê Lựu sẽ có cảm giác Thời xa vắng như một cuốn tự truyện của tác giả. Lê Lựu đã in quá đậm bóng dáng của đời mình xuống trang giấy, đến nỗi người ta đã nhầm anh với Sài, còn gọi Lê Lựu là anh cu Sài”.

Bài viết về Nguyễn Khắc Trường và  Mảnh đất lắm người nhiều ma là một bài viết độc đáo: vừa vẽ chân dung Nguyễn Khắc Trường vừa mượn cái “không khí” của Mảnh đất lắm người nhiều ma để phán định nhiều vấn đề lớn của văn học như Tiểu thuyết hay truyện vừa thì hợp với các nhà văn VN, đánh giá lại một loạt những tên tuổi cùng tác phẩm của các “cây đa, cây đề” như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Khải. Có lẽ đây là bài viết gây “sốc” nhất của Chân dung và đối thoại. Theo tôi, mới đọc thì thấy có vẻ như Thần đồng sắp về già nên muốn “quậy”, nhưng đọc kỹ thì rất có tình có lý:

 “Ma:. Hình như truyện vừa hợp với ta hơn. Và chỉ ở thể loại này, ta mới có mấy cái hay. Ví như Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố. Tất nhiên trong cuốn truyện vừa rất xuất sắc này của cụ Tố, có một chỗ rất tệ hại. Ai lại dành nhiều công phu và tâm huyết như thế để viết về một bà mẹ đi bán con chuộc chồng và viết với tài nghệ, có khả năng chinh phục được bạn đọc trong vài chục năm nay, về một việc làm rất đỗi không bình thường. Ngay ở dưới âm phủ cũng chẳng có bà mẹ nào làm một việc quái đản như thế. Những chi tiết bán con chuộc chồng của cụ đến ma cũng không thể chấp nhận được. Người ta sẽ nhớ đến Fantine, nhân vật của Victor Hugo -một người đàn bà nghèo khổ, cơ cực, một dạng chị Dậu của nước Pháp. Để cứu đứa con tội nghiệp của mình, Fantine đã bán tóc, bán răng, bán tất cả những gì ở trên cơ thể mình. Người đàn bà ấy đẹp biết bao, cao thượng biết bao. Còn chị, Dậu tuyệt vời của ta lại mang luôn con đi bán cùng với chó để lấy hai đồng bạc. Giá con không bằng giá chó. Mụ Nghị Quế còn bắt con bé ăn cơm thừa của chó trước mặt mẹ nó. Mụ quát: Mày ăn cơm chó nhà bà cũng không đáng đâu. Con chó nhà bà còn được mấy chục, con người như mày, bà chỉ mua có một đồng thôi đây. Rồi, lão Nghị còn làm một việc rất vô lý là đùng đùng đứng dậy, giơ bàn tay hộ pháp tát con bé một cái đánh đôp... , mà con bé có làm gì nên tội. Tôi nghĩ ở ngoài đời, không bà mẹ nào chịu nổi khi người ta hành hạ và sỉ nhục tàn nhẫn một cách vô lý con mình ngay trước mặt mình như vậy. Lẽ ra ở chỗ này, cụ phải dành một đoạn mô tả nội tâm, ấy là tâm trạng phẫn uất, nỗi day dứt nhọc nhằn, sự giằng xé tâm can, có thể có một phút chị nghi ngờ quyết định của mình, định thay đổi, vì tình mẫu tử bỗng trào lên... vân vân và vân vân... đằng này, cụ chỉ viết sơ sơ có một dòng mà lại thiên về ngoại hình: Chị Dậu chỉ gục đầu vào cột, nức nở khóc thầm. Và khi mụ Nghị vứt tọt mấy đồng chinh lẻ ra thềm, trả chị tiền chó và con, thì, trời ơi, ông có biết cụ Tố tả thế nào không? Chị Dậu lom khom cúi nhặt tiền, toan tính cửi ra đếm lại, đến mức Mụ Nghị xa xả mắng mới thôi. Mô tả thế, tôi chả hiểu cụ Tố nghĩ về chị Dậu thế nào? Thôi, phải tội với trời mẹ chịu. Cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con. Tức thì, chị chùi nước mắt và đi làm nhũng việc mà chị cho là đau đớn. Cứ xem nhiều phiên tòa xử ly hôn ở cõi dương gian, tôi chả thấy có người mẹ nào bằng lòng bỏ con. Họ có thể bỏ chồng, chứ không bỏ con, quyết giành đứa con cho bằng được, dù chẳng biết sẽ nuôi chúng bằng cách nào, và sau đó, nếu lấy chồng khác, họ sẽ phải khó xử ra làm sao với đức anh chàng khác máu tanh lòng ấy... Có người đã ở vậy suốt đời từ chối mọi quyến rũ chỉ vì một đứa con, ở đây, trong bản thân cụ Tố, nhà nho đã thắng nhà văn. Nhà nho đã lên tiếng thay cho nhà văn. Cụ Tố rất thành công trong việc tố cáo tội ác của giai cấp phong kiến, nhưng cụ lại quên mất tình mẫu tử. Cái đó xem ra còn lớn hơn nhiều. Hãy nghe chính lời của cái Tý mà cụ đã miêu tả khi nó phải chia tay với các em: U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này! Trời ơi, ... Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai? Khoan, tôi chưa bàn đến việc, một ngôn ngữ như thế có phải của đứa bé gái bảy tuổi không? Tôi nghĩ: Chính cái Tý, qua ngòi bút cụ đã vô tình trách cứ cụ”.

Còn đây là nói về Nguyễn Tuân:

 “Ma: Thực chất, Nguyễn Tuân là người thích đùa. Đối với Nguyễn Tuân thì cuộc đời là một cuộc chơi. Ông ham chơi và chơi cú nào cũng thắng.

Ma: Quả ông cụ viết khá nhiều về các món ăn. Những phở, những giò, những chả. Nhưng đưa các món ăn lên thành những áng văn chương, thành văn hóa ẩm thực, trước tiên phải kể đến Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam. Đấy là những tập sách có thể được coi là những kiệt tác về ăn uống, ở đó những món ăn không còn thuần túy là chuyện thực phẩm, nhằm đáp ứng cho việc co bóp của cái dạ dày, mà cao hơn, nó là hồn vía của cả một vùng đất. Văn chương ăn uống của cụ Nguyễn chưa đạt tới độ ấy. Đôi khi ngay trong chuyện ăn uống này, ông cụ cũng lại đùa.

Người: Xin nêu một ví dụ?

Ma: …Ông cụ kể về việc uống trà, về người hành khất tinh đến nỗi có một hạt trấu lẫn trong trà cũng phát hiện được. Cụ Sáu nghiện trà, mê trà pha nước giếng chùa, đến nỗi không thể bỏ quê đi đâu được vì không thể mang cái giếng đi theo. Thực ra, người sành trà, uống trà tinh, thường chọn nước mưa, và phải là trận mưa thứ hai, nghĩa là trong nước mưa không có bụi. Nước mưa ấy lại phải hứng giữa trời, không hứng qua cây, và phải hứng bằng chậu sành, chum sành, chứ không phải nồi đồng hay chậu nhôm. Nước có hơi nhôm, hơi đồng thì cũng không thể gọi là nước tinh khiết. ở đây ông già Sáu lại uống nước múc ở cái giếng đất, dù là giếng ở cổng chùa. Đoạn đường gánh nước từ chùa về nhà, cứ như lời văn cụ Nguyễn tả, phải qua con đường lầm cát bụi. Gió cuốn bụi như mây. Bụi thốc vào tận cổng chùa. Thế thì còn gì là nước để pha trà nứa. Khi người nhà cụ Sáu quẩy gánh nước về làng, sư cụ chùa Đồi Mài còn gọi lại, bảo bẻ mấy cành đào, bẻ cả lá đào thả vào nồi nước để về ông cụ uống cho mát. Ơ hay, uống trà là uống nước sôi pha vào trà, chứ có uống nước lã đâu mà cần nước mát hay không mát. Vả lại, đào là thứ cây độc. Đào trồng ở đâu, đến cỏ cũng không mọc được. Nhựa đào rất độc, người ta vẫn dùng để tắm ghẻ. Cái nồi nước thả đầy cành đào, lá đào mà cụ Nguyễn xui đùa kia, uống vào là gay đấy. Cứ tưởng ông cụ tinh vi nghề ẩm thực, nghe theo ông cụ thì có phen mất mạng như bỡn. Còn truyện Chém treo ngành, còn có tên khác là Bữa rượu máu, thì đến ma cũng không thể chịu nổi, ông cụ tả một cách nhấm nháp với đầy vẻ khoái cảm một lão đồ tể có tên là Bát Lê, ông ta có tài chém người điệu nghệ đến nỗi, chỉ chém một nhát, cái đầu đứt phăng, nhưng vẫn còn dính một tí da, treo trên một tí da, gọi là Chém treo ngành. Đưa việc chém người lên thành nghệ thuật và tả đường đao, mũi đao với vẻ khoái cảm như một dạng thưởng thức nghệ thuật thì chỉ ở cõi người mới có nhà phê bình viết bài tán dương, chứ ma thì con xin vái cụ! Ngay cả kẻ bị chém là lũ tà đạo, lũ cướp đường, tả thế cũng không ổn, huống hồ đó lại là quân khởi nghĩa, những người xả thân vì nghĩa cả. Nhà văn lớn, ai lại viết thế.

Người: Vậy Nguyễn Tuân còn lại những gì?

Ma: Còn chứ! Muốn nói gì thì Nguyễn Tuân cũng vẫn cứ là Nguyễn Tuân. Và đóng góp lớn nhất của ông cụ là ở thể loại ký. Ông cụ viết gì cũng thành ký. Đấy là một thể loại văn học cao cường mà bấy lâu nay, chúng ta biến nó thành một dạng báo chí sống sít, và như thế thì báo cũng chẳng ra báo mà văn cũng chẳng thành văn. Nguyễn Tuân bằng chính tài năng trác việt của mình, đã đưa nó trở lại văn học. Chỉ riêng kì tích ấy cũng đủ để ta ngả mũ kính vái cụ, đúc tượng cụ”.

Và đây là nói về Nguyễn Khải và trở lại về Nguyễn Khắc Trường:

 “ Ông viết về những người xung quanh, rồi viết cả về chuyện của những người ở trong nhà. Gặp gỡ cuối năm là chuyện của chính gia đình ông. Và đó là một kiệt tác của Nguyễn Khải... Chuyện thời thế, chuyện chính trị, chuyện xã hội. Đủ mọi thứ chuyện từ gia đình đến quốc gia đại sự. Đối thoại rất sắc sảo. Tính cách từng nhân vật hiện lồ lộ. Đây là cái truyện Nguyễn Khải viết hay đến từng chữ. Rồi cũng như nhiều tác phẩm khác, ông cũng lại gắn cho nó một cái tên rất thật thà, rất lười nhác là Gặp gỡ cuối năm. Rồi Khắc Trường, rồi Lê Lựu lại kêu oai oái: Cái lão này chẳng biết đặt tên con gì cả, Tại sao lão không lấy tên là Giao thừa. Cái tên vừa hay, vừa đúng với nội dung truyện, lại vừa có tính văn chương nữa, Nhưng nếu đặt, thế thì đâu còn là Nguyễn Khải. Nguyễn Khải cứ phải Gặp gỡ cuối năm kia. Cũng, như trước đây, ông từng đặt tên cho các tác phẩm của mình: Tháng ba ở Tây Nguyên, Họ sống và chiến đấu, Hòa Vang, Chủ tịch huyện, Chuyện anh tổ trưởng máy kéo. Hoặc nghe như một cái xã luận: Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa. Đừng nghĩ Nguyễn Khải không biết đặt tên con mình, ông hiểu chúng hơn bất cứ ai, và ông gọi tên chúng thật chính xác, ấy là tên của những, bài báo. Và như thế, có thể nói Nguyễn Khải là một nhà văn thông tấn: Nói vậy? không phải là phủ nhận ông. Xin các người chớ có hiểu lầm. Tôi đặt ông vào đúng vị trí mà ông có. ở trường phái văn chương thông tấn này, một mình ông một vị trí độc tôn, không có ai sánh được, và cũng không có ai học được, ông là một thái cực của chính đồ đệ ông - Nguyễn Khắc Trường.

Người: Nghĩa là thế nào?

Ma: Ngay trong cách đi thực tế, Khắc Trường đi như đi cho vui. Lão chẳng ghi chép gì.. Bởi thế, văn Khắc Trường là thứ văn đẹp mà chắc, mang dấu ấn tác giả rất rõ, chí ít nó cũng không lẫn với ai.

Người: Nhưng Khắc Trường không kỹ lưỡng như ông nghĩ. Thực ra khi viết, Khắc Trường cũng chẳng hình dung được cái truyện nó ra làm sao. Chính lão đã nói ra miệng, và nói cả trên mặt báo: Lão viết như người đi trong sương mù! Vừa đi vừa vén màn sương đó, Khi lão chui ra khỏi màn sương thì cũng là lúc hết truyện...

Người: Kết cấu là một phương diện quan trọng vào bật nhất của tiểu thuyết. Riêng cái khoản này. Khắc Trường lại vụng. Kết cấu cuốn sách hỏng. Bởi thế mà cuốn tiểu thuyết xộc xệch, lỏng lẻo. Khắc Trường đưa các nhân vật đến dự một cuộc mít-tinh, đúng lúc lão phải bước lên bục Kính thưa, thì lão lại chuồn. Các nhân vật ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu ra sao, rồi tự giải tán. Hình như lão sợ một cái gì đó.

Ma: Sợ gì?

Người: Lão sợ gì thì chỉ có một mình lão biết. Và lão thấy mình đi trong sương mù...

Ma: Chẳng có sương mù nào ở trước mặt Khắc Trường cả, ông ta nhìn thông thống tới tận đích cuối con đường. Bên ngoài, tưởng xộc xệch, nhưng thực chất bên trong, ông ta bài binh bố trận rất tỉ mỉ. Không phải ngẫu nhiên, tiểu thuyết lại bắt đầu từ một mùa giáp hạt. Đối với nông dân, cái đói vẫn là vấn đề thời sự. Miếng ăn là ông giời. Cái làng có tiếng là bờ xôi, ruộng mật, hóa ra cũng đói vàng mắt. Từ cái đói ấy mà bao nhiêu cái ác sinh ra, Khắc Trường gọi cái ác là ma, ấy là theo quan niệm của ông ta, chứ nhân danh ma, tôi có thể nói ngay với các người rằng, ma không ác.

Người: Đấy không phải quan niệm riêng, của Khắc Trường. Tôi rất sợ những trang tả ma, ông có sợ không?

Ma: Tôi lại sợ những trang tả người. Quả là khủng khiếp. Con người thiên biến vạn hóa. Ma làm sao có khả năng thế. Khi họ làm ma thì ma cũng phải sợ. Họ truy bức nhau, trả thù nhau, trả thù đến mức đào cả mả bố nhau lên thì khiếp thật, Khắc Trường viết rất kĩ lưỡng. Mọi tình tiết đưa ra đều được chuẩn bị cẩn trọng và đẩy đến tận cùng, ông ta tả đám tang cụ cố Vũ Đình Đại rất tỉ mẩn, rất chi li, ấy là để chuẩn bị cho cái đám tang lão Quềnh, một người nông dân nghèo khổ, khi con ma keo kiệt xuất hiện ở người em ruột, ông lão bị chôn quấy chôn quá, chôn bó chiếu một cách rất thương tâm ở núi ông Bụt. Đoạn tả chuyện tình ái của lão Hàm cũng được ông ta gia công rất cẩn thận. Dưới con mắt ông ta, Hàm như con ngựa đực, và vốn là một thợ mộc, Hàm dùng hai ngón chân mình cặp chặt ngón chân vợ, rồi ghim xuống giường như bắt vít.

Viết về Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa đã thể hiện bằng cuộc đối thoại giữa Lê Lựu và Trần Đăng Khoa  về cuốn tiểu thuyết Chí Phèo mất tích của Nguyễn Đức Mậu. Tuy chỉ là thể loại “Đối thoại” nhưng Trần Đăng Khoa cũng phác họa được những nét lớn của chân dung Nguyễn Đúc Mậu. Nói cách khác, bài viết về Nguyễn Đức Mậu là nằm giữa hai thể loại Chân dung và Đối thoại, đó là sự cố gắng “Làm mới” diễn đàn Phê bình văn học của Trần Đăng Khoa:

 “Trần Đăng Khoa: Trước hết, tôi chỉ là thằng làm thơ chay, không phải dân văn xuôi, càng không phải là người sành văn xuôi. Tôi phải nói ngay thế, không phải để biện hộ cho những ý kiến ngớ ngẩn của mình, mà đơn giản hơn, chỉ muốn bác hiểu rằng, tiếng nói của tôi không có giá trị gì, nó chỉ là tiếng đế trong một cuộc hát đôi. Bác hát, tôi đế. Hát một mình, không có đàn sáo, trống phách, e bác cũng buồn. Câu hỏi của bác, chỉ có Nguyễn Đức Mậu mới có thể trả lời được. Bởi chẳng ai hiểu công việc cực nhọc của nhà văn bằng chính nhà văn. Nhưng tiếc là Nguyễn Đức Mậu không có mặt ở quán Gió này, nên bằng cách cảm nhận của một người quan sát, một người vốn sẵn yêu Nguyễn Đức Mậu, hay ngắm nghía cái khí cốt của anh ở phía xa xa, tôi có thể nói ngay rằng: Nguyễn Đức Mậu trước hết là một thi sĩ. ở cái nhà số 4 Lý Nam Đế của ta, có rất nhiều người tài. Đấy là những nhà thơ khoác áo lính. Còn Nguyễn Đức Mậu là người lính khoác áo thi sĩ. Nếu chọn một nhà thơ số một của lính, tôi nhắc lại là nhà thơ của lính thì người đầu tiên tôi nghĩ đến là Nguyễn Đức Mậu. Thơ anh đậm chất lính hơn cả. Ngay cả ở tập mới nhất gần đây, tập Từ hạ vào thu, thì những bài thơ vào loại hay cũng vẫn là những bài viết về lính.

Còn nhớ năm 1976, Nguyễn Đức Mậu xuống chơi trại văn Vân Hồ, và do một phút cao hứng nào đó anh tuyên bố sẽ viết văn xuôi. Tôi không biết bác hồi đó thế nào, chứ mấy ông văn xuôi, vào cỡ gồng của ta bấy giờ, như Nguyễn Khắc Trường, Xuân Đức, Chu Lai hồi ấy hốt hoảng lắm, vì cái niêu cơm vốn dĩ mỏng manh, dễ vỡ như cáị đồ hàng mã của mình, có nguy cơ bị tước đoạt. Và ngay sáng hôm sau, Nguyễn Đức Mậu đã mang đến một chùm truyện ngắn: Một đêm viết đến năm cái truyện, quả là khủng khiếp. Mọi người chưa kịp bàng hoàng thì chính Nguyễn Đức Mậu đã bàng hoàng trước, khi anh quay lại ngắm năm ngọn tháp Ai Cập mà mình vừa mới nặn ra đêm qua. Quái, sao truyện của mình tìm mãi chẳng thấy có cái gạch đầu dòng nào cả! Nhà thơ vốn dĩ rất giỏi diễn tả tâm hồn tình cảm con người, nhưng ít khi dựng cả một thằng người có xương, có thịt, có hình dáng - diện mạo, tâm lý, với cả ngôn ngữ, tính cách, và tính cách con người nhiều khi lại được biểu hiện qua những đoạn đối thoại mà Nguyễn Đức Mậu gọi là những cái gạch đầu dòng. Đến nay, Nguyễn Đức Mậu đã thuần thục đường văn, đã là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết và hàng chục truyện ngắn, nhưng xem ra những cái gạch đầu dòng này, đối với anh, hình như vẫn là một cái gì rất đỗi bí hiểm. Văn chương vốn dĩ lạ vậy. Có những cái tưởng như vặt vãnh, tưởng như rất đơn giản, thế mà càng khám phá lại càng chẳng hiểu nó ra làm sao...

Lê Lựu: Thế ra chú vẫn là cái thằng láu cá, vẫn đi vòng vèo, đi phía rìa ngoài, phía những gì đã qua, chứ không phải bây giờ. Tớ cứ muốn bắn thẳng, tớ hỏi chú, cái thằng Chí ấy, nó có nên chuyện không?

Trần Đăng Khoa: Nên chứ! Thì nó đã thành một cuốn tiểu thuyết dày dặn mà bác đang cầm trên tay đó thôi. Nhưng tôi những mụốn khẳng định với bác rằng Nguyễn Đức Mậu là một thi sĩ, và hơn thế, một thi sĩ có tài. Văn anh réo rắt, trầm bổng. Đúng là văn của một thi sĩ. Nghĩa là văn có nhạc điệu. Thỉnh thoảng anh lại giật mình, đánh rơi ra cả một mảng thơ. Hãy nghe anh tả biển: Con cò bước dè dặt trên mép sóng lăn tăn. Thỉnh thoảng cái mỏ dài và nhọn của nó lại mổ vào biển cả. Hay anh tả muỗi trong Chuyện riêng của sư trưởng, một cái truyện vào loại hay của Nguyễn Đức Mậu; từng được giải thưởng Văn nghệ quân đội: Tiếng muỗi căng từng sợi mỏng trong đêm, Nguyễn Đức Mậu rất tâm đắc với câu văn này. Nhưng tôi nghĩ, đây là một câu thơ. Thơ hay nữa là đằng khác. Cánh văn xuôi thuần túy, tôi tin họ sẽ không viết thế. Còn thằng Chí Phèo thì tôi hiểu nó làm sao bằng bác được. Vì bác là ông văn xuôi. Bác thấy thằng Chí trong cuốn sách này nó như thế nào, nó thuộc loại người nào, có thể chơi được không?

Lê Lựu: Thế nghĩa là chú cũng coi tôi như một thằng Chí trong văn xuôi. Nghĩ mà buồn, ông Nam Cao đã có một thằng Chí Phèo sừng sững ra thế rồi, những thằng Chí khác khó mà vượt qua được. Thôi, hãy cứ nói cụ thể về cuốn sách này. Theo mình, với sự nhợt nhạt của những trang văn, với sự hời hợt của những tính cách, với sự nông nổi của những thân phận trong những sáng tác của cánh văn xuôi chúng mình, thì đây là một cuốn sách đọc lôi cuốn, có văn, có truyện. Làm được như thế cũng là khó, cũng là sự gắng vượt của một người làm thơ kiêm văn xuôi.

Trần Đăng Khoa: Thực ra, Nguyễn Đức Mậu thua ông Nam Cao thì có gì mà bác phải buồn, ông Nam Cao chết từ năm 1953, trước khi có Hội nhà văn chúng ta. Từ bấy đến nay, chúng ta có cả một đội ngũ hội viên hùng hậu, đông đến hơn 600 người, mà nào đã có ai vượt qua được mặt ông ấy. Đấy là một thiên tài, cũng là niềm tự hào của cả dân tộc ta ở thế kỷ này. Và tôi trộm nghĩ, xét về tài, ông Nam Cao nhà mình cũng chẳng thua gì ông Sêkhôp, ông Lỗ Tấn. Văn chương Nam Cao cũng rất gần với văn chương ông Tây, ông Tầu này, nhưng khoảng cách tầm cỡ thì hình như vẫn còn xa nhau lắm. Sở dĩ có cái khoảng cách ấy, cũng là vì ở chỗ, Lỗ Tấn và Sêkhôp qua 1 tâm đến nỗi đau ở cõi tinh thần, còn Nam Cao lại phải để tâm trí nhiều đến cái bụng. Đọc ông ấy, trang nào cũng, thấy đói. Mà văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn, cũng khó mà lớn được...

Lê Lựu: à, ra cái chú mày vừa đi học Tây về...

Trần Đăng Khoa: Đâu phải thế, Tây thật còn chẳng ăn ai, huống hồ cái thằng Tây rởm. Dẫn ông Tây, ông Tầu, bác lại bảo tôi chuộng ngoại. Thôi thì ta quay về nội vậy. Bác rỗi thì cứ đọc lại ông Nguyễn Du ấy, ông ấy rất lớn, có thể sánh với Tagor hay với bất cứ đỉnh tháp nào của thế giới, thế mà bác có thấy ông ấy cho cô Kiều ăn một miếng nào đâu, Ngày xưa các cụ nhà mình cũng ghê gớm lắm chứ. Họ nghĩ đến cõi tinh thần hơn nghĩ đến cái dạ dày rất nhiều. Nhưng mà thôi, ta hãy trở lại bác Nguyễn Đức Mậu và thằng Chí Phèo của bác ấy. Theo bác đánh giá, cuốn sách này đứng ở vị trí nào trong văn chương chúng ta hôm nay?

Lê Lựu: Tôi với chú, mỗi người vẫn chỉ là một. Cách đánh giá của tôi, chưa chắc chú bằng lòng, huống hồ tôi lại đánh giá thay cho nhiều người khác. Đây là ý kiến của riêng tôi. Tôi rất mừng về sự lao động nghiêm túc, cật lực, để tạo ra được một cuốn sách như tôi đã nói ở trên. Nó là một cuốn sách hay.

Trần Đăng Khoa: Ông văn xuôi chính hiệu đã khen thế thì tôi chẳng dám cãi đâu. Chỉ xin, nhắc thầm bác Mậu một chi tiết nhỏ thôi. ấy là cái đoạn bác tả mẹ Lý Mão bị rắn cắn chết. Bà cụ đi móc cua ở đồng nước ngập trắng. Khi bị rắn cắn, bà gục xuống bờ ruộng. Cái nón trắng chúi sấp xuống nước. Cứ như bác Mậu tả thế thì đó là rắn nước, cắn chỉ ngứa chứ không chết được người. Rắn độc thường chỉ ở những nơi khô ráo. Bác Mậu là người quê, sao lại nhầm lẫn sơ đẳng đến vậy. Nhưng thôi, bác đã khen thế, không khéo Chí Phèo có thể làm ứng cử viên hoa hậu, văn chương năm nay...

Lê Lựu: Không chỉ thằng Chí Phèo, mà là tất cả những ông, những bà, những anh, những chị trong các cuốn sách khác đều có thể là ứng cử viên. Còn nó có trở thành hoa hậu văn chương hay không, phải nhờ vào sự đánh giá công minh của bạn đọc rộng rãi...

Trần Đăng Khoa: Thế có nghĩa là theo ý riêng bác, Chí Phèo đã là một anh chàng hoàn chỉnh?

Lê Lựu: Khái niệm về hoàn chỉnh, hay toàn bích, còn một khoảng cách. Tôi muốn nói một nhà thơ viết văn xuôi rất khó tạo dựng được những tính cách chính xác, lô-gích, những nhân vật hoàn chỉnh như những anh chuyên nghề văn, ấy là chưa kể những khiếm khuyết về ngôn ngữ, đôi chỗ ngôn ngữ hôm nay lắp vào miệng nhân vật hôm qua, hay cách nói khái niệm theo kiểu cơ quan, công chức gắn vào mồm những thằng đầu đường xó chợ như cái thằng Chí Phèo. Nhưng tôi tin rằng, với cách sống giản dị, cần mẫn, sự đằm mình trong không khí nhà quê, nơi Nguyễn Đức Mậu gửi gắm nhiều tình cảm sâu xa của mình, chắc chắn nếu còn viết văn anh sẽ khắc phục được những nhược điểm mà tôi vừa bàn đến,

Trần Đăng Khoa: Sở dĩ, có cái gọi là nhược điểm như bác vừa nói, tôi nghĩ, cũng là tại bác Nguyễn Đức Mậu của chúng ta thông minh quá, mà cái thằng Chí Phèo thì lại đần độn dớ dẩn, nên bác Mậu cứ phải dìu dắt, chỉ dẫn. Vì vậy mà ở trang nào, tôi cũng thấy thấp thoáng bóng bác Mậu đi bên thằng Chí Phèo. Phải nói bác Mậu là một nhà chỉ huy cần mẫn và sâu sát dân chúng. Thành công của cuốn sách này là nó cứ làm ta nhớ đến ông Nam Cao và thằng Chí Phèo làng Vũ Đại ngật ngưỡng bước bên miệng vực. ở cái khoảng cách mỏng manh giữa thú và người. Hình như Nguyễn Đức Mậu viết cuốn sách này cũng là vì sự ám ảnh của nỗi nhớ ấy. Bởi vậy anh đã đề trong cuốn sách: Kính tặng hương hồn nhà văn Nam Cao. Dưới đó còn có thêm bốn câu thơ:

Chí Phèo sống, Nam Cao đã khuất

Nào có dài chi một kiếp người

Nhà văn chết, nhân vật từ trang sách

Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai...

Vì sức sống của Chí Phèo, chúng ta nâng cốc chúc mừng ông Nam Cao và chúc mừng cả anh Chí của Nguyễn Đức Mậu nữa. Mong rằng giữa chốn trần ai, anh Chí của bác Mậu sẽ không mất tích”. (Nguyễn Đức Mậu và “Chí Phèo mất tích”).

Chân dung Trần Đăng Khoa là chân dung thứ 98 trong 99 chân dung nhà văn của Xuân Sách:

Chú dế góc sân hồn nhiên ca hát

Hát thành thơ như nước triều lên

Khi khôn lớn lại hồn nhiên đi giữa

“Biển một bên và em một bên”.

Có vẻ như Xuân Sách muốn nói với Thần đồng Thơ Trần Đăng Khoa rằng Thơ mới là sở trường và không thể cứ đi giữa hai bờ mây nước mãi được. Cũng vậy, không thể “Chân dung” một bên và “Đối thoại” một bên! …

Sài Gòn, tháng 10-2010

 ĐNT.
bản để in

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét