dongoclong2010

dongoclong2010

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vandanviet.net - trích: 4 truyện

 » Bản tin » Thư viện truyện ngắn

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)

Thứ năm - 30/08/2012 19:55
Nếu có ai hỏi ông Đồ Tiếu, một trong số những người cao tuổi nhất Làng Hạ, rằng tại sao Làng Hạ có "biệt danh” là "Làng nói Trạng” thì ông đều kể bằng một câu chuyện rất dài và chỉ có thể tóm tắt như sau: Ngày xưa, có lần ông Thầy Địa lý khét tiếng Tả Ao trên đường đi ngao du bốn phương, khi tới Làng đã năm lần bảy lượt bỏ đi rồi lại quay lại Làng, đi tới đi lui, định nói gì rồi lại thôi. Cứ như thế suốt hai ngày, khiến cho những nhà Nho trong Làng hồi hộp lo âu không biết Làng mình có điều gì bí ẩn mà đến bậc đã khiến cho Quỷ khốc ...
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)
Thông tin liên hệ:
Tác giả Đỗ Ngọc Thạch
Sinh ngày 19-5-1948, tại Phú Thọ.
Hiện sống và làm việc tại TP. HCM
Email: dongocthach18@yahoo.com.vn
_____




                          11 Đỗ Ngọc Thạch

LÀNG NÓI TRẠNG 


    Nếu có ai hỏi ông Đồ Tiếu, một trong số những người cao tuổi nhất Làng Hạ, rằng tại sao Làng Hạ có "biệt danh” là "Làng nói Trạng” thì ông đều kể bằng một câu chuyện rất dài và chỉ có thể tóm tắt như sau:
    Ngày xưa, có lần ông Thầy Địa lý khét tiếng Tả Ao trên đường đi ngao du bốn phương, khi tới Làng đã năm lần bảy lượt bỏ đi rồi lại quay lại Làng, đi tới đi lui, định nói gì rồi lại thôi. Cứ như thế suốt hai ngày, khiến cho những nhà Nho trong Làng hồi hộp lo âu không biết Làng mình có điều gì bí ẩn mà đến bậc đã khiến cho Quỷ khốc Thần sầu như Tả Ao Tiên sinh phải đắn đo nhiều như vậy? Đến ngày thứ ba, dường như đành bất lực trước những bí ẩn của Thiên cơ, Thầy Tả Ao đến chào bái biệt Trưởng Làng. Trưởng Làng cố gặng hỏi để thầy Tả Ao nói cho vài câu nhưng thầy đều nói mãi ba chữ: "Bất khả tri!”. Đến khi Trưởng Làng bảo người vợ ra chào thì thầy Tả Ao giật mình kinh ngạc chú mục nhìn người vợ Trưởng Làng rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhắm nghiền rồi nói: "Kỳ nhân dị tướng! Ngàn năm mới có một người!”. Trưởng Làng thấy vậy thì bảo người nhà lui hết đoạn vái thầy Tả Ao ba vái mà nói: "Xin thầy cho biết! Xin thầy cho biết!”. Thầy Tả Ao lúc ấy mới thong thả nói: "Vợ ông mới tắm xong, cho nên tôi thấy Con Ô Long còn dính nước và nó bò tới mắt cá chân bà nhà! Còn bình thường thì nó xoắn lại, cuốn xung quanh cái chân ngọc ngà của bà nhà, nên không ai nhìn thấy con Ô Long đó! Đó gọi là Tướng cách Đại Quý Ô Long quấn ngọc trụ!”. Thầy Tả Ao nói vậy nhưng Trưởng Làng còn chưa hiểu ra sao, thầy Tả Ao phải giải thích cặn kẽ: "Âm mao của bà nhà cực kỳ xum xuê như lau sậy, trong đó có một sợi đen nhánh, to bằng ba sợi khác, bình thường thì sợi âm mao này xoắn lại quấn lấy bắp đùi, bắp vế bà nhà, cho nên gọi là Ô Long quấn ngọc trụ, tức Con Rồng đen quấn cột ngọc! Ban nãy bà nhà tắm, dội nước nên con Ô Long mới duỗi ra, dài tới mắt cá chân, nên tôi đã nhìn thấy đuôi con Rồng đen đó!”. Trưởng Làng ngẩn ngơ một lúc rồi như hiểu ra, song vẫn cố hỏi cho cặn kẽ: "Vậy con Ô Long của bà nhà tôi có liên quan gì tới vận số của Làng này nói chung?”. Thầy Tả Ao nói: "Sao lại không liên quan! Làng ông là vùng đất Địa linh Nhân kiệt, nhân tài xuất chúng có nhiều nhưng do hướng Đình đặt sai cho nên bị ma quỷ quậy phá, kẻ xấu hãm hại mà không đạt tới kết quả mỹ mãn, đáng đỗ Trạng mà không thấy tên trong bảng Vàng, bia đá!... Song nhờ có Ô Long phò trợ mà tai qua nạn khỏi”. Trưởng Làng nghe nói vậy thì muốn nhờ thầy Tả Ao chọn lại hướng Đình, nhưng thầy Tả Ao nói: "Vận số của Làng đã được định đoạt cho tới vài trăm năm nữa, tôi sao dám sửa lại sổ sách của Nhà Trời. Song tôi có thể giúp cách khắc chế tai ương, giảm thiểu điều xấu, bảo lưu điều tốt!”. Hỏi làm như thế nào thì Thầy Tả Ao nói: "Cần làm ngay cái miếu thờ Thần Ô Long, đặt ở hướng chính Tây của Đình Làng, khoảng cách là năm đến mười dặm. Thêm nữa, trong Làng, phàm chỗ nào đất đã trũng thì cho đào thành ao hồ, thả hoa sen, hoa súng. Cần có ít nhất chín cái ao hồ lớn để làm chỗ cho Thần Ô Long giáng hạ. Điểm cuối cùng, nên đổi tên Làng Hạ thành Làng Hạ Long!”…
    Trưởng Làng lắng nghe như nuốt từng chữ, từng lời của thầy Tả Ao. Nghe xong, Trưởng Làng định hỏi thêm thì đã không thấy thầy Tả Ao đâu nữa!
    Từ khi Làng mang tên mới là Làng Hạ Long, cảnh sắc của Làng trở nên tươi đẹp như tranh vẽ. Làng có chín cái hồ lớn và chín cái ao nhỏ lúc nào cũng ngào ngạt hương hoa sen, hoa súng gợi cảnh thanh bình, an lạc. Duy chỉ có điều lạ là trẻ con trong Làng đều được cho ăn học từ nhỏ, nhưng đến những nấc thang cuối cùng của chuyện thi cử thì đều rơi rụng hết, không có ai đỗ đạt cao. Điểm lại, cả ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, thì chỉ qua được kỳ thi Hương, vài người qua được kỳ thi Hội, còn tới kỳ thi Đình thì không bao giờ có người đỗ; Và để khích lệ tinh thần sĩ tử, khóa nào có ai đỗ Trạng Nguyên, Làng cùng mời cho được Quan Trạng về Làng rồi chọn lấy vài người học trò xuất sắc nhất, thi tài họa thơ, đối chữ với Quan Trạng, thực ra là để đánh đổ uy danh của Quan Trạng, tôn vinh tài học của người Làng, song đa phần cũng chỉ một chín một mười mà thôi. Tuy nhiên, trong những cuộc so tài đó, ai có thể đối đáp ngang ngửa với Quan Trạng đều được Làng phong danh hiệu Trạng Nguyên, cũng có nghi thức đón rước Trạng Nguyên về…tận nhà và điều quan trọng nhất là cũng được cưới "Công Chúa của Làng” mà không tốn kém một đồng bạc nào! Việc chọn ra "Công Chúa của Làng” được tiến hành hàng năm nên lúc nào cũng có sẵn Công chúa ngọc ngà đế Tân khoa Trạng Nguyên đón Nàng về dinh động phòng hoa chúc!
    Trải qua thời gian, số Trạng Nguyên được Làng phong tặng ngày càng nhiều và hầu hết những Trạng Nguyên này đều mãn nguyện với cuộc sống của mình: vợ đẹp con khôn và không bao giờ lo đói bởi đó sẽ là những ông Đồ đắt giá (sau này là Gia sư) vĩnh viễn của Làng, thậm chí các làng khác trong vùng cũng đem con em tới nhờ dạy bảo! Và, như một tất yếu khách quan, những Ông Trạng không sắc phong này "coi Trời bằng vung”, nói một tấc đến Trời, tức nói khoác không ai bằng! Vì thế, người trong vùng gọi Làng Hạ Long này là Làng Nói Trạng! Hàng năm, Làng đều có tổ chức thi nói Trạng và ai đoạt giải nhất cũng được Làng phong danh hiệu Trạng Nguyên!
***
    Làng Nói Trạng có rất nhiều nhân vật thuộc loại Kỳ nhân dị tướng, tất nhiên. Nhân vật có nhiều huyền thoại bao quanh nhất là ông Song Long. Ông Song Long chính là con trai trưởng của ông Trưởng Làng với bà vợ có tướng cách Đại quý Ô Long quấn ngọc trụ, người đã từng được tiếp kiến Tả Ao Tiên sinh đã nói trên. Năm nay, ông Song Long đã hơn trăm tuổi, song sức khỏe còn rất tốt, có thể nói là đẹp Lão, không thua gì các vị Đại Tiên trên Thượng giới. Khi ông được sinh ra, rất đặc biệt, không như người thường. Theo lệ thường, khi người mẹ ra nước ối thì đứa con sẽ chui ra ngay, nhưng ông Song Long thì không chịu ra ngay mà phải một ngày sau. Lúc ông chui ra, bà đỡ thấy tay ông cứ nắm chặt "con Ô Long” của người mẹ thì không biết làm thế nào, bởi nếu làm đứt "con Ô Long” của người mẹ thì rất nguy hiểm bởi người mẹ sẽ mất đi cái Tướng cách Đại quý Ô Long quấn ngọc trụ! Bà đỡ bèn nói rõ tình hình với người mẹ, lập tức người mẹ quát lớn: "Thả tay ra ngay! Mẹ đã cho con những hai con Ô Long rồi còn muốn gì? Sờ tay lên đầu xem!”. Ông Song Long, tức thằng bé vừa chui ra từ bụng mẹ liền sờ tay lên đỉnh đầu, quả nhiên ngay giữa huyệt Bách hội, có hai sợi tóc đen nhánh, to gấp ba lần những sợi khác, dài tới mười phân! Từ đó, đứa bé được đặt tên là Song Long. Hai sợi tóc đó của thằng bé dài ra không ngờ, khi năm tuổi thì có thể quấn kín người như cái áo giáp, dao chém không đứt, dáo đâm không thủng. Bình thường phải cuộn hai sợi tóc đó lại, cho vào một cái túi vải, đeo dưới nách!
    Khi mới mười tuổi, cậu bé Song Long đã đỗ đầu kỳ thi Hương, kỳ thi Hội cũng đỗ Á khoa, nhưng đến kỳ thi Đình thì bị đánh trượt vì chê con gái yêu của Quan Chủ khảo là xấu xí, không chịu thành thân. Thực ra, cậu bé Song Long đã được ông Trưởng Làng chọn cho người vợ ở cùng Làng có Tướng cách cực quý là Song Long nhiễu nguyệt, hai vợ chồng đều có quý tướng thì còn mơ tưởng gì nữa!
    Sau lần hỏng thi đó, cậu bé Song Long ở nhà, cưới vợ rồi vui thú chuyện vợ con, chẳng thiết gì chuyện thi cử lập công danh nữa! Tuy thế, tài học cũng như tài nói khoác của Song Long đã bay tứ phương, nhiều Đại Nho quanh vùng phải tâm phục khẩu phục!
    Lần ấy, có một vị quan Thượng Thư người miền trong, từng đậu Trạng Nguyên, đi kinh lý qua Làng Hạ Long, đã nghe đồn nhiều về Song Long, bèn vào Làng tìm Song Long xem thực hư thế nào. Quan Thượng Thư vốn ghét những người không đỗ đạt mà lại nói khoác nên muốn tìm cách dồn Song Long vào chỗ chết. Năm đó, Song Long mới gần hai mươi tuổi, đang sức trai tràn trề, mà chỉ loanh quanh ở nhà, không mấy khi đi ra khỏi lũy tre làng, nên quả là có nhiều quả ngon vật lạ ở tứ phương mà chưa biết tới. Quan Thượng Thư muốn khai thác chỗ yếu đó của Song Long, bèn nói: "Ta có người thiếp, tuổi chỉ xấp xỉ bằng ngươi, nhưng đã đi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc, món ngon vật lạ gì cũng đã nếm qua. Vậy ngươi có món ăn gì khiến cho Nàng thích như là mới biết lần đầu thì được thưởng ngàn lạng bạc, bằng không sẽ bị chém đầu. Ngươi có dám nhận lời thách đố không?”. Song Long chấp nhận ngay và yêu cầu Quan Thượng Thư quây vải thành cái buồng giữa sân để dâng đặc sản!
    Khi Song Long dâng đặc sản, mọi người chỉ nhìn thấy Song Long bưng cái mâm đồng trên úp lồng bàn nên không thể biết trong mâm là món gì? Nhưng chỉ năm phút sau thì người thiếp của Quan Thượng Thư bước ra nói: "Quả là Thiếp chưa từng được nếm món này!... Cực ngon!...”. Lúc ấy Song Long bưng cái mâm ra, Quan Thượng Thư vội lật lồng bàn ra xem thì không thấy gì, tròn mắt hỏi: "Món ấy đâu?”. Người Thiếp nói: "Thiếp đã ăn hết ngay!”… Đám đông xì xào bàn tán hồi lâu mà không biết Song Long đã dâng món gì? Hỏi mấy ông già lão làng thì chỉ nói kiểu gợi ý: Nhìn tạng người Quan Thượng Thư hom hem như thế, tất khi "hành sự” chỉ như "đuôi chuột ngoáy lọ mỡ”, như thế người Thiếp trẻ đẹp kia tất sẽ nuốt chửng cái "món ấy” của chàng trai trẻ!...
***
    Có một cao thủ nói khoác ở một Làng nói Trạng khác của tỉnh nọ, nghe đồn Làng nói Trạng Hạ Long có nhân vật huyền thoại Song Long, liền tìm đến thách đấu. Cao thủ nói khoác này có người vợ yêu cực kỳ sung mãn, đặc biệt là đôi nhũ hoa đẹp không thể tả, với số đo vòng một theo kiểu đo bây giờ phải tới hơn chín mươi phân. Người này cũng dò hỏi và biết Song Long có người vợ có quý tướng Song Long nhiễu nguyệt thì háo hức muốn biết Song Long nhiễu nguyệt có hơn Nhũ hoa điểm son của vợ mình hay không, liền đưa ra điều kiện thách đố là "Được hoặc mất vợ với đối phương”. Khi người kia tới thách đấu, Song Long nhận lời ngay. Người vợ Song Long thấy vậy thì nói: "Sao chàng lại đem thiếp ra nhận thách đấu? Lỡ Chàng thua thì làm sao Thiếp sống nổi với người ta?”. Song Long bình thản nói: "Người này thách đấu như thế là đã tự hại mình, thua là cái chắc bởi ba điều: 1/ Mới vào cuộc anh ta đã chăm chăm muốn chiếm đoạt vợ người, không biết có chiếm được vợ người hay không nhưng mất vợ mình là không tránh khỏi; 2/ Vợ anh ta mạnh về đôi nhũ hoa, mà đôi nhũ hoa là tài sản của con cái chứ không phải của người chồng, vậy là anh ta đã cầm lộn vũ khí, con cái sẽ phản đối, chưa đánh đã thua; 3/ Có câu "Thái quá bất cập”, tức đôi nhũ hoa của vợ anh ta to đến như thế là hết cỡ. Anh ta nói khoác ắt nói về đôi nhũ hoa vô địch của vợ, ắt nói nó sẽ to nhất thế giới, phình to đến như thế ắt sẽ nổ tung, anh ta thua cuộc là cái chắc!”. Vợ Song Long nghe nói vậy thì yên tâm và thầm nghĩ, nếu chồng mình biết dùng vũ khí đặc biệt là "Đôi Rồng đang ấp mặt trăng” của mình thì thế nào cũng bắt trói được cô nàng có "Nhũ hoa điểm son” về làm vợ bé cho mình có người sai khiến! Quả nhiên, khi vào cuộc thi nói khoác, tay cao thủ kia cứ bơm mãi cho đôi nhũ hoa của vợ mình lớn đến cực đại để đến nỗi đối thủ chỉ khẽ chọc cũng nổ tung. Còn Song Long cứ tha hồ kéo dài cặp "Song Long nhiễu nguyệt” ra tới vô cực!... Người vợ của kẻ nói khoác bại trận có đôi nhũ hoa điểm son sau đó thành vợ bé của Song Long, khiến cho gia thế thêm thịnh vượng!
***
    Từ đó về sau, "phong trào nói khoác” ở Làng Hạ Long cũng như ở các Làng Nói Trạng khác có phần im ắng. Song, những năm gần đây, vấn đề tìm về cội nguồn để xác định bản sắc văn hóa dân tộc được chú ý nên chuyện Nói Trạng lại được quan tâm khai thác, bảo tồn bởi đó là một trong những nét độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc!...
    Một ngày kia, Làng nói Trạng Hạ Long lại tổ chức Hội Thi Nói khoác, có mời các Làng nói Trạng ở các nơi tham dự, giải thưởng được treo cực lớn, có mơ như kiểu nói khoác cũng không thể ngờ!... Song, người bị bất ngờ lại chính là Ban Giám khảo của Hội Thi Nói Trạng, trong đó có dị nhân Song Long đã thọ hơn trăm tuổi! Họ bị bất ngờ vì nhận được chín bài dự thi được đóng xén rất đẹp thành chín cuốn sách khổ to tướng , dày cộm ước đến ngàn trang từ chin làng danh tiếng gởi về! Nội dung của chín tập sách đó là gì? Đó là tập hợp những bản Báo cáo Tổng kết nói khoát cận niên.
    Ban Giám khảo họp một ngày và quyết định trao giải Nhất đồng hạng cho cả chín đơn vị tham dự! Sau Tết này sẽ làm lễ phát thưởng, chưa biết ngày chính xác là ngày nào? Có lẽ sẽ phải là một ngày dài hơn Thế kỷ!...
                                                                                                          Sài Gòn, những ngày đầu năm 2010
                                                                                                                                            Đỗ Ngọc Thạch
* Chú thích
    Chúng ta đã được biết một số Làng nói Trạng do những nhà sưu tầm văn hóa dân gian, nhà báo sưu tầm và kể lại trên một số báo chí như Quảng Cư (Quảng Bình),Vĩnh Hoàng (tỉnh Quảng Trị), Đồng Sài (tỉnh Bắc Ninh), Trúc Ổ (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Văn Lang (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ),v.v… Song, Làng nói Trạng Hạ Long sẽ khiến cho người tiếp xúc lần đầu tiên phải thốt lên: "Không thể nói khoác hơn!”…
    Những nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folkllore) có quê gốc là Làng Nói Trạng Hạ Long đang khẩn trương sưu tập những câu chuyện Nói Trạng của Làng để in thành ba tập sách, mỗi tập khoảng một ngàn trang, dự kiến hết năm 2010 sẽ xong mọi vấn đề và sẽ được in ấn, phát hành vào quý một năm 2011. Đến lúc ấy, bạn đọc có thể "no sôi chán chè” về Truyện Nói Trạng. Những gì tiếp dưới đây là được rút từ bộ sách nói trên.

Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 01.10.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________


                          11 Đỗ Ngọc Thạch


 
NGƯỜI CHÉP SỬ
 


          Sử quan chép cái sử gì
          Chuyện vua ăn uống, chuyện đi thuyền rồng
          Đại sự: "Bí sử thâm cung”!
          Cho nên sử thật nằm trong nấm mồ!
                       (Sử quan - Đ.N.T)
    Trong số những người dòng họ Nguyễn Cửu theo phò Chúa Nguyễn, có một người văn võ song toàn, tài ba khác thường, mà không thấy sử sách nào của nhà Nguyễn ghi chép, đó là Nguyễn Cửu Long. Nguyễn Ánh luôn giữ Cửu Long bên mình, như hình với bóng, nhưng bắt đổi tên là Võ. Cho mãi đến năm Nhâm Tuất (1802), khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua thì Võ đột ngột lâm bệnh, phải trị thuốc hơn ba năm mới khỏi. Võ khỏi bệnh, vua Gia Long muốn ban cho Võ một chức võ tướng trong đội cấm vệ, nhưng Võ lại xin một chức sử quan. Vua Gia Long chấp thuận. Năm 1812, khi đã xây dựng xong kinh đô Huế, Gia Long mật chỉ giao cho Cửu Võ viết bộ sử, tính từ chúa Nguyễn Hoàng (1524-1613), mở đầu vào phương Nam dựng nước, đến khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế  lập nên triều Nguyễn (1802). Thời hạn hoàn thành công việc là 5 năm. Thế là từ đó, Nguyễn Cửu Võ âm thầm ngồi viết bộ sử "Chúa Nguyễn dựng nước”…
    Sau ba năm, Nguyễn Cửu Võ đã viết xong bộ sử và dâng vua Gia Long. Vua Gia Long đọc xong liền cho gọi Cửu Võ tới nói: - Ta đã đọc xong rồi. Ta thật  không ngờ nhà ngươi lại biết nhiều chuyện của các Chúa Nguyễn như vậy? Có cả những chuyện mà chính ta cũng chưa được nghe nói tới bao giờ?
    Võ nói: - Tâu bệ hạ! Kẻ hạ thần đã gắng sức đem hiểu biết nông cạn của mình ra để viết bộ sử này. Có điều gì sơ suất mong bệ hạ phán xét …
    Vua Gia Long lại nói: - Nhà ngươi có biết rằng trong bộ sử viết về những  chuyện riêng kín đáo của các Chúa Nguyễn quá nhiều không? Nhà ngươi có biết rằng để thiên hạ biết quá nhiều về các bậc vua chúa là bất lợi như thế nào không?  Và tại sao những trận đánh thắng của các Chúa Nguyễn nhà ngươi lại viết quá sơ sài, còn những trận thua lại viết quá tỉ mỉ? Sao không làm ngược lại? Sao nhà ngươi không tự biết rằng, có những chuyện, dù rất hệ trọng cũng không được phép ghi ra sử sách, nếu nó phương hại đến thanh danh của các bậc vua chúa? Chẳng hạn, những lần ta rút quân ra Phú Quốc hoặc Côn Lôn, rồi những lần ta tiếp xúc với các giáo sĩ Tây Phương, những chuyện ấy không ai được phép biết đến! Những kẻ biết rõ những chuyện đó, nhà ngươi phải biết xử như thế nào không?
Nguyễn Cửu Võ không biết nói sao, đứng ngây như tượng.
    Vua Gia Long thấy vậy mỉm cười nói:
    - Ngươi đừng sợ! Ta sẵn lòng tha thứ cho dù nhà ngươi phạm tội. Đó là cái tình của ta giành riêng cho ngươi sau bao nhiêu năm đã trung thành theo ta, vượt qua những trận tử chiến kinh hoàng nhất… Nhưng ngươi phải khai không sót một ai, tên những người đã biết rõ mọi chuyện của ta thời còn đánh nhau với quân Tây Sơn. Và, ngươi cấp tốc viết lại bộ sử này trong thời hạn một năm! Những chỗ nào ta đánh dấu đều phải viết lại! Xong, đem cả hai bản lại cho ta xem, ta sẽ trọng thưởng!
    Suốt đêm hôm ấy và bao đêm kế tiếp, Cửu Võ thường thức trắng. Những năm tháng tưởng như đã trôi vào lãng quên bỗng hiện về rõ mồn một. Trước đây, Võ nhìn việc Nguyễn Ánh giết những đại công thần như Đỗ Thành Nhơn (1), rồi Nguyễn Văn Thành (2) và nhiều tướng tâm phúc khác, theo lẽ thường tình là: kẻ nào trái ý vua chúa đều có thể mất đầu như chơi! Nhưng giờ đây, Võ nhìn những vụ "trị tội” ấy bằng con mắt khác hẳn! Võ thấy vua Gia Long hiện ra trước mặt rõ mồn một với hình ảnh kinh hoàng của một bạo chúa!... Và Võ giật mình bàng hoàng hồi lâu khi nghĩ đến lưỡi gươm trừng phạt của bạo chúa sẽ giáng xuống chính mình!...
    Cửu Võ lo nghĩ nhiều mà thành bệnh. Song, Võ gắng gượng chống lại con bệnh mà mải miết viết thâu đêm, không mấy khi rời khỏi thư phòng.

***
    Ngày tháng vùn vụt trôi đi, đã được nửa năm. Võ viết xong ba tập sách dày. Tối hôm đó, vào một đêm cuối năm Gia Long thứ l7 (l8l8), Nguyễn Cửu Võ gọi Nguyễn Cửu Sơn, người con trai (với một người thiếp) tới, nói:
    - Đây là bộ sử thật về các chúa Nguyễn. Mọi việc lớn nhỏ cha đều viết tường tận, không thiên vị ai, dù đó là vua chúa hay những người trong dòng họ ta. Chính vì thế, nay cha trao bộ sách này cho con vì con là người có tư chất khác thường sau này tất làm chuyện lớn, và bộ sách này sẽ có ích cho con nhiều lắm…
    Cửu Sơn lạy tạ nhận sách, ngậm ngùi không nói nên lời. Trầm ngâm một lát, Cửu Võ nói tiếp:
    - Cha sẽ xin cáo quan về ở ẩn như các bậc cao nhân thời xưa. Còn con, con hãy vào phương Nam, ngày đêm dùi mài kinh sử, cổ kim đông tây phải làu làu. Khi nào đời cần đến, tự khắc con sẽ biết.
    Ngày hôm sau, Võ âm thầm cấp lộ phí cho Cửu Sơn đi vào phương Nam xa xôi. Rồi Võ lại vào thư phòng, đóng chặt cửa, viết lại bộ sử theo gợi ý của vua Gia Long. Đúng hạn định, Võ dâng sách. Vua Gia Long đọc bộ sử mới viết lại, thấy mọi việc diễn biến đều hết sức ca ngợi những chiến công hiển hách của các chúa Nguyễn, thì lấy làm hài lòng lắm. Nhưng đọc đi đọc lại, vua Gia Long cảm thấy đó không phải là khẩu khí văn chương của Cửu Võ, không thấy cả tiếng gươm khua ngựa hí mà chỉ là những dòng chữ lạnh lùng, khô khốc! Vốn đa nghi, Gia Long không thể tin rằng một con người mạnh mẽ khác thường cả về thể lực và khí chất như Cửu Võ lại có thể thay đổi nhanh chóng như vậy được? Vì thế, khi Cửu Võ xin cáo quan về nhà, Gia Long chấp thuận ngay, nhưng mật sai Nguyễn Đức Xuyên, một danh tướng cũng từng phò tá hết lòng từ những năm tháng cùng khốn, đem binh phục ở quãng đường vắng để hạ sát Cửu Võ… Thương thay cho Cửu Võ cùng toàn thể gia quyến đã chết bi thảm trong một cuộc tàn sát âm thầm…
    Theo lời truyền lại của người trong vùng, chỗ Cửu Võ cùng gia quyến bị sát hại đã mọc lên một rừng trúc khác thường, đêm đêm trong rừng luôn vẳng tiếng nói rì rầm như người kể chuyện mãi không thôi. Người ta lấy ống trúc khoét sáo thì sáo có âm thanh thật kỳ lạ, khác hẳn sáo trúc của những vùng khác…
                                                                                                                                   Sài Gòn, 2005-2010
                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
    (1) Đỗ Thanh Nhơn (hay Đỗ Thanh Nhân hoặc Đỗ Thành Nhơn) (? - 1781) là một danh tướng cuối thế kỷ 18 dưới thời Nguyễn Ánh. Cùng với Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, ông được người đương thời xưng tụng là "Gia Ðịnh tam hùng".Quê huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Sau dời về trấn Phiên An trong Nam.
Khi Định vương Nguyễn Phúc Thuần còn ở Phú Xuân, ông chỉ là võ quan bậc thấp, chức đội trưởng Hữu thuyền.
    Năm 1775, bị Tây Sơn và tướng Bắc Hà là Hoàng Ngũ Phúc rượt đuổi, Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Trấn Biên, tuy đã có lệnh triệu tướng Tống Phước Hiệp, nhưng quân cứu viện không thể nào đến kịp. Nhân cơ hội đó, Đỗ Thanh Nhơn gọi Nguyễn Huỳnh Đức, Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Kỵ, Vũ Nhàn, Đỗ Bảng... cùng họp binh ở Ba Giồng (Tam Phụ) được hơn 3000 người, xưng là "Đông Sơn thượng tướng quân”[4] và lấy danh nghĩa cứu giá để phò giúp Nguyễn Phúc Thuần. Sau đó Đỗ Thanh Nhơn đưa quân từ Ba Giồng tiến ra đánh úp quân Nguyễn Lữ, thắng luôn mấy trận. Nguyễn Lữ biết không địch nổi, bèn lấy thóc trong kho chở hơn hai trăm thuyền chạy về Qui Nhơn.
    Đỗ Thanh Nhơn lấy lại được Gia Định (lần thứ nhất) bèn đón Nguyễn Phúc Thuần trở về Bến Nghé.Do lập đại công, Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn Phúc Thuần cho giữ chức chưởng dinh, phong tước Phương quận công. Tướng sĩ quân Đông Sơn đều được ban thưởng theo thứ bậc.Bấy giờ, có viên tướng đi theo Tống Phúc Hiệp tên là Lý Tài, gốc người Hoa, chỉ huy đạo Hòa Nghĩa quân, trước khi tham gia phong trào Tây Sơn từng kiếm sống bằng nghề buôn bán. Đi với Tây Sơn một thời gian Lý Tài, từng làm phó tướng cho Nguyễn Huệ, nhưng do nhiều phen bại trận, thay vì quyết chí lập công, Tài lại tỏ ra bất mãn. Tướng của chúa Nguyễn ở Phú Yên biết rất rõ điều này nên đã chiêu hàng được Lý Tài.
Chúa Nguyễn Phúc Thuần muốn thu dùng Lý Tài, nhưng Đỗ Thanh Nhơn vì muốn tranh giành địa vị nên nói:"Lý Tài là bọn chó lợn ở chợ Phù Li, nhân lúc loạn lạc tiếp tay cho quân Tây Sơn, tội đáng phải chết. Nay Lý Tài không dám vác mặt về gặp chủ Tây Sơn, cùng đường phải theo ta. Xem ra hắn ta là hạng vô lại, có dùng cũng chẳng nên công cán gì. Hung hãn như hắn thì về sau khó chế ngự. Chi bằng sớm kết liễu hắn đi để khỏi sinh chuyện rắc rối.” Bởi lời này, Lý Tài kết oán với Đỗ Thanh Nhơn. Đến khi Tống Phúc Hiệp mất, Lý Tài lo Đỗ Thanh Nhơn làm hại mình, bèn đem thuộc hạ chiếm giữ núi Châu Thới[6]) để chống lại Thanh Nhơn. Một lần Lý Tài đem quân đánh úp quân Đông Sơn. Thanh Nhơn chống cự không nổi, phải đắp lũy từ sông Bến Nghé đến Bến Than để cố thủ.
    Tháng 11 năm Bính Thân (1776) do sức ép của Lý Tài, Nguyễn Phúc Thuần làm lễ nhường ngôi cho cháu ruột mình là Nguyễn Phúc Dương (Tân Chính vương). Lý Tài được Nguyễn Phúc Dương phong là Bảo giá đại tướng quân.
    Năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Định lần thứ 2. Quân Tân Sơn mạnh mẽ đánh bại quân Nguyễn nhiều trận, sau đó truy lùng gắt gao, cả Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương cùng một số quan lại đã bị bắt và bị giết. Lý Tài ở Bến Nghé đem quân giao chiến mấy lần với thủy quân của Nguyễn Huệ đều thất bại. Hoảng loạn, Lý Tài đem quân chạy về Ba Giồng thì bị quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết.
    Không thể để ngôi chúa bỏ trống, đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh, cháu chúa Nguyễn Phúc Thuần, khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Kể từ đó, ông luôn được cầu cận để phò tá Nguyễn Phúc Ánh.Cũng ngay năm này (1778), Đỗ Thanh Nhơn cùng Lê Văn Quân giết Tư Khấu Oai ở sông Bến Nghé, rồi cùng Hồ Văn Lân đi dẹp loạn ở Chân Lạp. Ông giết Nặc Ong Vinh, tôn con là Nặc Ong Ẩn lên ngôi Chân Lạp, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ, còn ông thì kéo quân về Gia Định.Mùa xuân năm Canh Tý (1780), Đỗ Thanh Nhơn được Nguyễn Phúc Ánh phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công. Và đúng một năm sau, vào ngày 23 tháng 3 năm Tân Sửu (1781), Thanh Nhơn đã bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết.
    Hay tin Đỗ Thanh Nhơn bị giết, Nguyễn Nhạc nói: Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa, rồi cùng Nguyễn Huệ cử đại binh vào đánh Gia Định. Quân Tây Sơn vào cửa Cần Giờ, đại thắng trận thủy chiến trên sông Ngã Bảy, khiến Nguyễn Phúc Ánh phải bỏ thành Sài Gòn chạy về Ba Giồng rồi lánh sang Phú Quốc...Đó là hồi tháng 3 năm Nhâm Dần (1782).
    (2) Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817): là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn và là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam (1802-1945).Nguyễn Văn Thành sinh ngày 13 tháng 11 năm Mậu Dần (1758), tiên tổ của ông người Quảng Điền, phủ Thừa Thiên, tằng tổ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Tổ là Nguyễn Văn Tính lại dời đến ở Bình Hòa. Cha là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định.
    Do lập được nhiều chiến công, năm Tân Dậu 1801, ông lãnh ấn Khâm Sai Chưởng Tiền Quân, Bình Tây Đại Tướng Quân, tước Quận Công. Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến đồng thời cũng là nơi đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm Tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay). Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị. Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành lại rất coi trọng việc học, cùng thời gian sửa sang lại Bắc Thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò.
    Năm Canh Ngọ 1810, ông được triệu về kinh, lãnh ấn Trung Quân, rồi được giao cử chức tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ (thường được gọi là luật Gia Long). Bộ luật có hai phần, chia làm hai mươi hai quyển, có tất cả ba trăm chín mươi tám điều, ban hành năm 1812, đến năm 1815 được khắc in và định Quốc Sử. Hoàng Việt Luật Lệ là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ.
    Năm Ất Hợi 1815, người con trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên cũng chính là phò mã của vua Gia Long, đỗ hương cống, vốn là người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng, thơ dịch âm rằng:
          Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,
          Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
          Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,
          Thiện tướng, phương tri Ký-bắc Kỳ.
          U-cốc hữu hương thiên lý viễn,
          Cao vương minh-phượng cửu thiên tri.
          Thư hồi được đắc Sơn trung tể,
          Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.
    Dịch nghĩa là:
          Ái-châu nghe nói lắm người hay,
          Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
          Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,
          Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay.
          Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
          Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
          Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
          Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.
Một số người vốn có tị hiềm với Nguyễn Văn Thành dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn. Mọi việc kêu oan của ông đều không được Gia Long minh xét. Ông nói với Thống chế Thị Trung lúc bấy giờ là Hoàng Công Lý : "Án đã xong rồi vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết, không phải là trung". Ông buộc phải uống thuốc độc tự tử trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi. Con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém.
                                                                                                                                            Đỗ Ngọc Thạch
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 14.11.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________


                          11 Đỗ Ngọc Thạch


VÕ TRẠNG NGUYÊN TRUYỆN

    1. Về Trường thi Võ
    Minh Mạng là vị vua thứ hai của Triều Nguyễn, trị vì 21 năm (1820-1841), được coi là vị vua năng động, quyết đoán và có nhiều cải cách: lập thêm Nội các, Cơ mật viện ở Kinh đô Huế, tổ chức lại quân đội, củng cố chế độ thi cử để chọn người tài: Trạng Nguyên Văn (năm 1822 lập lại các kỳ thi Hội, thi Đình ở Kinh đô). Nhưng phải đến năm 1836 mới lập Trường thi Võ ở Kinh đô Huế và Hà Nội, đến năm 1867 mới mở thêm Trường thi Võ ở Phủ Qui Nhơn, Bình Định.
    Thi Võ cũng có ba kỳ thi như bên Văn là Thi Hương, Thi Hội và Thi Đình. Khi thành lập trường, cả ba trường đều có dự định thi cả ba kỳ Hương, Hội, Đình, nhưng sau đó hai trường ở Hà Nội và Quy Nhơn không chọn Tiến sĩ Võ (còn gọi là Tạo sĩ) mà chỉ là thi Hương tuyển lấy Cử nhân (không có Tú tài như bên Văn).
    Thi lấy Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) tập trung về kinh đô Huế, gọi là thi Hội, cho cả ba trường, người đậu Tiến sĩ Võ được phong chức Tướng quân, vinh danh Võ Trạng nguyên.
    Các môn thi Tiến sĩ võ gồm: thao lược binh thư đồ trận, huấn luyện và tổ chức quân đội, các môn võ thuật như côn, quyền.
    Thi lấy Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) có ba giai đoạn: Trường Nhất, Trường Nhì và Trường Ba.
    Trường Nhất gồm các môn thi: Xách kẽm, đánh thảo Ngọc Trản, đánh thảo roi Ngũ môn phá trận, thảo Siêu đao… Xách kẽm là môn đáng sợ nhất. Có hai ống kẽm, mỗi ống là một khối kẽm hình chữ nhật, nặng một tạ ta, có quai bọc vải. Thí sinh xách mỗi tay một ống, đi nhanh đoạn đường dài 200 thước, vừa đi vừa về. Thoạt nhìn tưởng ngon ăn vì ở nhà các thí sinh đã tập xách những vật nặng tương đương, nhưng theo như lời kể của một thí sinh đã vượt qua môn thi này thì không hề dễ dàng. Bước vào thi, khi đứng giữa hai ống kẽm thì thấy người như phát sốt, toát mồ hôi, hai tay cầm vào hai quai xách chờ lệnh, trong đầu kêu boong boong, tai điếc đặc. Đến khi có lệnh xuất phát, giật mình xách lên thì chân loạng choạng, cái cổ dài ra, hai vai lép xuống. Như thế cho đến khi cuối đường, quay lại thì chờn vờn như không còn có thể bước được nữa. Thế nhưng cố gắng vẫn về được đến đích đạp lên đường vạch, để hai ống kẽm xuống, thì con người như muốn ngã chúi ra đằng trước bước tới bàn giám khảo như trong cơn mê!... Có người xách hai ống kẽm lên, cổ gân căng lên, mắt lồi ra, bước một bước rồi quỵ xuống, có người chỉ chạy được hơn một đoạn đi, về mấy bước là quỵ. Xách ống kẽm là bài đầu, nó loại gần một phần ba thí sinh! Nhưng cũng có không ít người có sức khỏe lạ thường. Họ xách chạy như mình xách hai gầu múc nước đi tưới. Về đến nơi hơi thở không gấp sẽ được điểm ưu. Có người chạy cả ba vòng cả đi lẫn về vẫn không đỏ mặt!... 
    Người có sức mạnh phi thường phải nói đến là cụ Trung Quân, người vùng Thọ Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định. Cụ đi thi ở Huế, lúc đó ở Bình Định chưa mở trường thi. Khi phát lệnh xách kẽm, hai tay xách hai ống kẽm giang ngang thẳng cánh ba lần rồi để hai ống kẽm xuống trước mặt, dùng một tay nắm cả hai quai, co tay thước thợ lên ngang ngực, rồi mới xách chạy vòng quanh trường thi. Tất cả Ban giám khảo đều kinh ngạc thốt lên: "Sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ!” và hội ý chớp nhoáng quyết định lấy cụ đỗ Thủ khoa - tức Võ Trạng Nguyên, không cần phải thi các môn khác. Nhưng tất cả thí sinh không phục vì thực ra, muốn đậu thủ khoa không chỉ có sức mạnh mà phải tinh thông thập bát ban võ nghệ tức kỹ thuật đao, kiếm, côn, cung! Ban giám khảo phải nhượng bộ, chỉ lấy đỗ cử nhân, miễn thi Trường Nhì, chờ môn thi Trường tiên ở Trường Ba tức phúc hạch xếp thứ hạng!
    Trường Nhì: Gồm các môn thi như bắn cung nỏ vào hồng tâm, bắn súng nạp tiền vào bia cót, nhảy qua hào nước quay ba vòng đâm bù nhìn, cưỡi ngựa phi nhanh, múa kiếm. Muốn qua được những môn thi này phải lót tay những người lính làm nhiệm vụ giám sát ở các điểm thi…
    Trường Ba:  Đó là kỳ thi phúc hạch để xếp thứ hạng, môn thi là đấu roi trường (Trường tiên) tay đôi, loại trực tiếp, chọn lấy ba người gọi là Cử ba, Cử nhì và Cử nhất - Cử Nhất là Thủ khoa - Võ Trạng nguyên. Cuộc thi phúc hạch ở Trường Ba bao giờ cũng gay cấn, hấp dẫn nhất.
    Roi (còn gọi là gậy; tiếng Hán Nôm là Tiên) được làm bằng một thứ gỗ rất rắn, dẻo, chắc; dài 7 thước 5 (bằng  2m625), đầu lớn to bằng cổ tay, đầu nhỏ to bằng cán cuốc. Để tránh nguy hiểm khi đấu, ở đầu nhỏ có buộc giẻ, trong bọc có tóc. Bọc giẻ được làm nhọ nồi trên đầu, người bị đâm giữ lại một vết nhọ nồi trên người…
    2. Đại Lực sĩ Trung Quân với tuyệt kỹ Trường tiên: Lạc côn
    Những cuộc thi đấu roi trường ly kỳ nhất, hay nhất là cuộc đấu của cụ Trung Quân ở Trường thi Kinh đô Huế, khóa thi Đình đầu tiên. Ở những cuộc đấu này, đại lực sĩ Trung Quân không chỉ thể hiện sức mạnh vô song mà còn sử dụng đến độ huyền diệu của tuyệt kỹ Lạc côn trong côn thuật.
    Lạc côn là một thế võ lừa đối thủ: thả tay trước cho đầu côn rơi xuống đất giữa hai chân của đối thủ. Nếu đối thủ không biết thế lừa, nghe đầu côn rơi chạm đất thì vui mừng vội vàng tranh thủ xấn tới đâm là mắc mưu. Người thả đầu côn chỉ chờ hành động ấy của đối thủ, bước sang một bên tránh đầu roi đối thủ đang đâm tới, cầm nhanh đầu roi của mình lên lật mạnh một cái. Khi đối thủ vừa bước tới và ngọn roi được hất lên nằm gọn giữa hai chân đối thủ sẽ đẩy một chân bổng lên, đối thủ bị vướng, lúng túng không sử dụng roi của mình được. Nếu người dùng thế Lạc côn khỏe thì có thể dùng đầu côn hất đối thủ văng lên. Nếu tay không khỏe thì cũng treo được một chân đối thủ lên, khiến đối thủ mất thăng bằng, chới với, có khi phải bỏ côn mình để chụp nắm côn đối thủ để khỏi bị hất ngã. Để hóa giải được thế Lạc côn, người kia phải dùng gót đá móc mạnh làm cho đầu roi văng ra xa rồi mới nhào tới đâm đối thủ. Đối thủ chỉ cầm côn một tay sau, không chống đỡ được chỉ né tránh và bỏ chạy. Nhưng với người có sức mạnh phi thường thì không bỏ chạy mà né người tránh mũi côn đâm tới, dùng tay trước (tay trái) chụp lấy đầu côn đối thủ, bẻ trái, đối thủ sẽ ngã và côn gãy đôi, lúc đó đối thủ tưởng rằng đã phá được thế Lạc côn nên sẽ hoàn toàn bất ngờ! Đó là cách đánhTrường tiên của cụ Trung Quân sẽ nói kỹ dưới đây.
    Đó là cuộc đấu roi Trường tiên của cụ Trung Quân với 10 người có điểm cao nhất sau Trường Nhất và Trường Nhì. Cụ Trung Quân ra trước, cầm roi đứng đợi trên sàn đấu. Ông Cử thứ nhất ra đấu, hai roi vừa mới so khắc hai cái lắc cắc, đến cái thứ ba thì vù một tiếng xé tai, cây roi của ông Cử kia bị cụ khắc mạnh gãy từ tay cầm đến cuối, văng lên cao rồi rơi cách 30 thước. Ông Cử kia cả sợ, cầm đoạn roi còn lại trên tay chạy mất tăm! Tới ông Cử thứ hai ra đấu, cụ không dùng thế roi ấy nữa mà giả rơi đầu roi ra khỏi tay trước vì mồ hôi tay. Đối thủ biết ngay đó là thế Lạc côn lợi hại nên đã sử dụng cách phá thế Lạc côn: dùng gót đá cho đầu roi văng ra rồi nhào tới đâm mạnh, tin chắc là được điểm quyết định vì địch thủ chỉ còn một tay cầm đốc roi nên không thể xoay trở được! Nhưng, "rắc” một cái, chiếc roi trường của đối thủ bị cụ Trung Quân cầm chặt và bẻ gãy đôi, quật luôn cả người cầm roi ngã nghiêng xuống đất!
    Tám ông Cử điểm cao còn lại, bái trước Ban giám khảo xin được miễn đấu và đồng thanh hô cụ Trung Quân xứng đáng đậu Thủ khoa - Võ Trạng nguyên. Cuộc phúc hạch chỉ còn là cuộc đấu giữa 10 ông Cử để chọn ra người đậu Á nguyên - ngôi nhì!...
    Nhờ có sức mạnh vô địch và kỹ thuật đánh Trường tiên vô song, cụ Trung Quân được chọn vào đội Cận vệ của nhà vua, từ chức Đội trưởng lên dần đến chức Trung Quân, là quan Nhất phẩm Đại tướng quân - chức quan võ đứng đầu trong năm chức võ quan cao nhất ở Kinh đô. Người ta lấy chức võ quan Trung Quâncủa cụ để gọi thay cho tên cụ, đó là cách gọi cung kính. Năm 70 tuổi cụ mới nghỉ hưu, về làng quê sống như một lão nông. Người dân trong vùng còn lưu truyền câu chuyện cụ Trung Quân đánh cọp như sau:
    Một hôm, làng tổ chức săn cọp, Cụ xin đi, không dùng dao, mác mà dùng một gốc tre già có cả củ, chuốt cho láng để dễ cầm. Cụ cùng cháu nội và cháu gọi bằng bác đứng gác một góc lưới. Khi cọp chạy tới, cụ xách gốc tre chặn đường cọp, hai bên "đấu mắt” đến hai phút… Bất thình lình, cụ giơ gốc tre lên nhằm đầu cọp đánh xuống. Cọp đưa chân trước lên bắt gốc tre thì liền lăn đùng ra vì cả bàn chân trước và đầu cọp vỡ toác!...
    3. Bầu Đê với Tuyệt kỹ Trường tiên: So đũa
    Ông Bầu Đê là người Tuy Phước, Bình Định với kỹ thuật roi đấu Trường tiên rất diệu nghệ. Ông không đi thi nhưng cuộc thi nào cũng tới xem, nhất là thi phân hạng giành Thủ khoa.
    Chờ cho cuộc thi đấu xong, xác định được các ông Thủ khoa, nhì, ba thì Bầu Đê mới xách roi vào xin phép Ban giám khảo cho đấu với các thầy tân khoa. Ban giám khảo cũng muốn thử tài ba vị tân khoa đỗ hàng đầu nên chấp thuận. Ông Bầu Đê cầm roi đứng đợi trên sàn đấu.
    Mới dứt hiệu lệnh, ông Cử ba ra trước, vừa ra roi đã bị ông Bầu Đê đánh bật cây roi văng tới tận hiên trường thi, giơ tay xin thua ngay. Ông Cử nhì thận trọng hơn, không bị đánh bật roi nhưng cây roi của ông luôn bị ghìm chặt cứng, rồi bất ngờ không ai nhìn thấy rõ ra sao, ông ấy ngã ngửa, cây roi  rơi một bên trong khi ấy ngọn roi của ông Bầu Đê vẫn gián trên bụng ông Cử nhì. Ông Bầu Đê thu roi và cúi xuống đỡ ông Cử nhì dậy, đầu roi bịt giẻ như một cái găng đập trúng dạ dày làm ông Cử nhì bị ngất!...
    Chờ ông Cử nhì hồi tỉnh, ông Thủ khoa ra đấu tiếp. Ông Thủ khoa vóc dáng cao to, tướng mạo oai nghi và có vẻ bình tĩnh, tự tin. Hai bên ra roi qua lại hơn 10 phút. Ban giám khảo truyền lệnh thôi đấu và tuyên bố hòa, có ý giữ sĩ diện cho ông Thủ khoa. Nhưng ông Bầu Đê và quan lãnh binh trong Ban giám khảo phản đối kết quả hòa.
    Chưa kịp giải thích vì sao thì chính ông Thủ khoa ra bái và xin chịu thua. Mọi người chưa kịp hiểu ra sao, ông Thủ khoa giơ hai tay lên, ở cả hai nách đều có vết nhọ tròn rõ ràng, nằm gọn trong hai hố nách! Các giám khảo và các thầy Cử tân khoa đều giật mình kinh ngạc, hàng trăm con mắt nhìn từ ngoài vào đều không kịp thấy hai cú đâm, thì người đứng đấu trong cuộc làm sao kịp thấy, mà có kịp thấy cũng không thể phản ứng kịp! Đúng là hai cú đâm nhanh như chớp!
    Quan chánh lãnh binh cũng là một cây roi trường có tiếng, đã đậu Tiến sĩ võ Trường Thừa trước đây cho nên không thể ngồi yên trước một cây roi lợi hại như vậy. Ngứa nghề, quan chánh lãnh binh nai nịt gọn gàng, cầm roi bước xuống sân xin đấu với Bầu Đê mười hiệp. Bầu Đê khiêm tốn từ chối, không dám đấu với Quan chánh Lãnh binh, e sợ thất lễ! Quan chánh lãnh binh nói: "Cung kính không bằng phụng mệnh! Anh cứ dùng hết sức mình để tôi biết thêm, nhất là kỹ thuật đánh văng roi và đâm vào nách!”. Được câu ấy, Bầu Đê mới dám nhận lời.
    Hai bên ra đấu, hai cây roi quấn lấy nhau thật ngoạn mục… Bỗng Bầu Đê nói: "Xin Ngài cho phép tôi được thực hiện tuyệt kỹ thứ nhất!”.  "Tùy”, tiếng "Tùy” vừa bay ra thì cây roi trong tay quan Lãnh binh cũng bay vù tới hiên trường thi! Ông Bầu Đê chống roi đứng chờ quân lính mang roi lại cho quan chánh lãnh binh. Trận đấu tiếp tục, hai roi ghìm nhau rất chặt, nhìn từ ngoài chỉ thấy hai người tới lui, qua lại, hai đầu roi quấn lấy nhau mà chỉ nghe tiếng cắc-cụp-cắc vang lên đanh gọn… Ông Bầu Đê lại nói: "Xin phép Ngài cho tôi ra tuyệt kỹ thứ hai!”. Lần này thì Quan chánh lãnh binh kêu to: "Xin thôi!”. Ông Bầu Đê liền thu roi. Quan chánh lãnh binh cầm ngang cây Trường tiên, vái ông Bầu Đê mà rằng: "Thật là roi thần! Tôi đã gặp hàng trăm tay roi nhà nghề, hơn có, ngang có, kém có, nhưng chưa từng gặp một cây roi thần kỳ như thế này! Thật đáng bậc thầy! Xin bái phục!”.
    Ban giám khảo mời Bầu Đê ngồi, thưởng rượu và một cây lụa. Uống hết ly rượu, Quan Lãnh binh mới từ từ giơ cao tay trái lên để mọi người thấy vết nhọ do đầu roi ông Bầu Đê đã ghi. Mọi người cùng "ồ” lên ngạc nhiên rồi rối rít hỏi: "Lúc nào thế ạ?”.
    Quan Lãnh binh cười, nói: "Chính là lúc ông ấy nói xin phép! Tôi chưa kịp trả lời thì đầu roi đã đậu vào nách tôi nhẹ nhàng, do vậy tôi xin thôi đấu!... Thực tình, tôi suy nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu rõ cách đánh văng roi và cách đâm vào nách như thế nào? Tôi giữ chặt, mà tay tôi không yếu hơn tay anh thì làm sao anh đánh bật roi tôi bay xa như vậy?”.
    Bầu Đê cũng uống hết ly rượu mới thong thả nói: "Đây là phép mượn sức người đánh người! Đánh văng xa cây roi của Ngài không phải chỉ sức mạnh của tôi mà là sức của tôi cộng với sức của Ngài. Nhưng đánh phải lựa chiều, nếu đánh xuôi chiều mở bàn tay, tức là theo hướng các ngón bấu lại thì roi tung các ngón bay đi. Nếu lại đánh ngược chiều mở bàn tay, thì roi bị cả bàn tay giữ lại không tuột  ra được để bay đi nhưng có thể bị đứt tiện trên sát chỗ cầm”.
    Quan Lãnh binh nói như reo lên: "Hay! Hay lắm!... Còn đâm vào nách? Lúc ấy  tôi đã bí mật chuyển roi từ tay phải sang tay trái. Tay trái ở trước dùng ngọn che chở cho thân mình, tay phải ở sau dùng đốc che nách trái, kín như sau hai chiến lũy làm sao anh lẻn vào được mà ghi điểm?”.
    Bầu Đê từ tốn nói: "Thường nơi mình canh giữ nhiều cho là kín thì lại có một khe hở nhỏ rất bất ngờ. Đấu võ cũng như đánh giặc, tìm chỗ kẽ hở  bất ngờ nhất trong nơi mà đối phương tin là giữ chặt, kín nhất để từ đó bí mật tấn công vào thì đối phương sẽ bối rối không biết đâu đối phó. Đâm vào nách là một kỹ thuật tinh vi, song tôi gọi nôm na là đâm so đũa. Tôi luồn ngọn roi theo thân roi của quan Lãnh binh, đúng lúc ngài đang đâm tôi, tức là hai roi đi sát nhau, ngược chiều nhau. Đầu roi của quan nhằm vào ngực tôi bay tới, đồng thời che khuất cái đầu roi của tôi cũng đang tìm nách của Ngài lao tới. Nếu hai bên đều vô tình thì mỗi người nhận của bên kia một vết nhọ. Nhưng ở đây thì tôi biết và đã chuẩn bị gạt đầu roi của Ngài ngay sau lúc Ngài thay tay còn Ngài thì lại không biết roi tôi cũng đang gần nách mình nên tay phải cầm đốc vẫn không đề phòng. Khi đầu roi Ngài gần sát ngực tôi chắc Ngài nghĩ là đã trúng rồi. Nhưng chưa kịp dán vào ngực tôi thì cái ngực ấy đã xoay nghiêng và cái đốc roi của tôi từ dưới đưa vòng lên gạt mũi roi của Ngài ra. Ngài tiếc cú đánh không trúng, cả mắt và tâm đều đậu đầu roi cố xoay để đâm lại nhưng không ngờ động tác vòng cái đốc gạt đầu roi của ngài làm cho đầu roi của tôi ghìm xuống tránh đốc roi của ngài chui vào nách. Bí quyết là chỗ đó!”.
    Quan Lãnh binh đứng dậy vái ông ông Bầu  Đê và nói: "Xin bái phục!...Thật là bài học ngàn vàng, xin hết sức cảm ơn ông. Tôi về theo đó luyện tập thêm, sang khóa sau xin trình bày lại ông chấm.”    
    Ông Bầu Đê không dự thi từ vòng đầu nên mặc dù cả Ban giám khảo và đặc biệt là Quan chánh Lãnh binh rất ngưỡng mộ tài đánh Trường tiên của ông cũng không thể lấy ông đậu Thủ khoa mặc dù ông đã đánh bại cả ba tân khoa hàng đầu, trong đó có Thủ khoa.Tuy thế, khán giả tung hô rần rần như đối với một Thủ khoa!...
    4. Tâm tình Người Đất Võ
    Từ nhỏ, tôi đã biết câu ca về Miền Đất võ Bình Định: Ai vô Bình Định mà coi / Con gái cũng biết múa roi, đánh quyền! Sau này, khi lăn lộn trường đời, tôi đã mục sở thị câu ca đó: những năm làm việc ở tỉnh Gia Lai, mà có thể gọi Gia Lai là "Bình Định Phẩy” (giống như khái niệm hai điểm A và A’ trong Toán học), tôi cũng xuống Phủ Quy Nhơn khá nhiều, rồi mỗi lần vào Nam, ra Bắc đều phải đi qua Bình Định, thì quả là Đất Võ Bình Định đã tạo ấn tượng mạnh trong tôi. Vì thế, viết về miền Đất Võ là một cảm hứng rất mạnh, rất đẹp! Tôi đã viết ba cái truyện ngắn về con người miền Đất Võ mà vẫn thấy như là chưa viết gì! Nhiều lúc tôi nghĩ phải viết sao cho người đọc khi đọc truyện của mình cũng bị mê hoặc như xem mấy tuyệt kỹ của nghệ thuật múa roi, đánh quyền của Võ Bình Định vậy! Quả  là một thách đố lớn đối với tôi, bởi cái đó chính là Tuyệt tác văn chương, muốn viết về Tuyệt kỹ võ thuật thì phải là Tuyệt tác văn chương! Tự thấy mình chưa thể làm raTuyệt tác, tôi ngưng viết về Võ thuật Bình Định từ năm 2005 đến nay, mà chuyển qua khu vực Người mẫu chân dài, một đề tài mà tôi cho là có nhiều điều mới mẻ và rất bí ẩn!...
    Một hôm, có người bạn từ thời còn làm báo, là "dân Bình Định lưu vong” ở Sài Gòn, đã từng theo học võ sư Hà Trọng Sơn (*), đến tôi chơi và nói: "Thấy ông đang viết về đề tài "Người mẫu chân dài”, tôi sẽ dẫn ông đến tiếp cận một người mẫu chân dài đồng hương với tôi, rất đặc biệt, độc đáo và sẽ cho ông thêm nhiều điều thú vị về Người mẫu chân dài, bởi  Nàng được mệnh danh là "Thợ săn Đại gia”! Chỉ với riêng Nàng, ông đủ tài liệu để viết một bộ Tiểu thuyết 3 tập!” Tôi liền đi ngay, không kịp sửa soạn y phục chỉnh tề! Nhưng đến nơi thì chỉ gặp chồng Nàng, vốn là vệ sĩ của Nàng đang huấn luyện võ thuật cho cô bé con gái mới năm, sáu tuổi. Thấy chúng tôi tới, Vũ Hùng- chồng Người mẫu chân dài mà tôi định gặp-, nói với cô bé con gái: "Con múa lại bài Thảo bộ Ngọc Trản cho hai bác đây xem rồi  nghỉ để bố tiếp khách!”. Vũ Hùng vừa dứt lời thì cô bé bái chào rồi đi luôn bài Thảo bộ Ngọc Trản, mồm đọc nhịp nhàng những câu ThiệuNgọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc…
    Nhìn cô bé múa bài Ngọc Trản, một cảm giác kỳ lạ cứ dâng trào, cứ cuốn theo đừng động tác mềm mại, uyển chuyển mà bên trong chứa đầy uy lực! Và bỗng nhiên, bàn tay, nắm đấm tý hon ấy, bàn chân, ngón cước tý hon ấy, và cả thân hình kỳ ảo, tý hon ấy bỗng vụt lớn thành khổng lồ!...
    Cuộc nói chuyện của ba người chúng tôi chính vì thế mà cứ đi mãi vào đề tài Võ thuật, tưởng như sẽ không thể ngưng nếu như chai rượu thứ hai không khiến cho cả ba chúng tôi đều "hồn lìa khỏi xác”! Tuy thế, tôi là người tỉnh lại đầu tiên, và xin phép về ngay để nạp vào máy tính những điều vừa nghe hai người "Đất Võ Bình Định” nói chuyện về "Đất Võ Bình Định”. Truyện ngắn này chính là được rút ra trong buổi gặp gỡ đó, tuy chưa thể nói đây là "Tuyệt kỹ Truyện ngắn” nhưng tác giả hy vọng sẽ giúp bạn đọc biết thêm những vẻ đẹp độc đáo của Võ thuật Bình Định, và điều đặc biệt không ở đâu có là: Đến Miền Đất Võ, ta sẽ bắt gặp hình ảnh không bao giờ quên - hình ảnh rất đặc trưng của Miền Đất Võ: những đứa trẻ nhỏ dăm ba tuổi đã biết múa bài Thảo bộ Ngọc Trản một cách thuần thục và đẹp mắt: Ngọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc/ Tạ hầu mai phục / Tấn đà tam chiến / Thối thủ nhị linh / Hoành tả tạ / Bạch xà lang lộ / Hữu hoành sát…
                                                                                                                              Sài Gòn, 10-12/10/2009
                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Thạch
----
    Chú thích:
    (*) Võ sư huyền thoại Hà Trọng Sơn (1920-2010) quê làng võ Phước An, Tuy Phước, Bình Định. Ông sinh ra trong một gia đình "võ nòi”. Năm 1943, tại Đại hội quyền thuật Đông Dương (tổ chức ở Nha Trang), ông đã khẳng định đẳng cấp của mình bằng chiến thắng vang dội trước võ sĩ nổi tiếng của Pháp là F.Nicolai và tay đấm lừng danh của Đông Dương lúc bấy giờ là Tiết Mãnh, gây chấn động võ giới.
 Năm sau (1944), tại giải vô địch bán phần Đông Dương (tổ chức tại Đà Nẵng), để "lấy lại danh dự” các ông bầu người Pháp đã tung tay đấm bất bại Esperpaire "tiếp” ông. Nhưng với phong độ và các đòn thế hóc hiểm của võ Việt, nhất là các cú móc tay trái "xuyên tâm” cực độc, đã nhanh chóng đưa ông lên ngôi quán quân. Năm 1948, ông lại tiếp tục thủ đài tại Bình Định, lần lượt đánh bại các danh thủ hàng đầu như: Trịnh Thiếu Anh, Trung Anh, Bảo Trung Phong…
    Sau nhiều năm liên tiếp "thủ đài”, không chỉ các võ sĩ kỳ tài trong nước, mà cả nhiều tay đấm thượng thặng của Pháp cũng phải bái phục, không dám so găng với ông. Mãi đến năm 1952, tại Hội chợ Đà Nẵng, ban tổ chức mới cân nhắc và quyết định đưa tay đấm số 1 miền Nam Huỳnh Tiền, người được giới hâm mộ mệnh danh "Đệ nhất anh hùng miền Đông” thượng đài để xô ngã thành trì bất khả chiến bại. Song với bản lĩnh và biệt tài "xuất kỳ thuận ý”, ông đã nhanh chóng hạ đo ván võ sĩ Huỳnh Tiền (một tay đấm chưa một lần nếm mùi thất bại), bảo vệ xuất sắc ngôi vô địch trước sự thán phục của hàng vạn người hâm mộ. Và cũng từ đây, ông được báo giới hết lời ca ngợi và mệnh danh là "Hùm xám” miền Trung.
    Trải qua bao thập niên "bá chủ” các võ đài danh tiếng và truyền dạy gần một vạn môn sinh, trong đó có các võ sư, võ sĩ vang bóng một thời như: Huỳnh Bông, Trần Cang, Hà Trọng Ngự, và các con: Hà Thị Phi, Hà Thanh Mao, Hà Đăng Quyền, Hà Nhất Linh… Ông đã thanh thản ra đi trong những ngày cuối tháng 3-2010 tại quê nhà ở tuổi 90 …
                                                                                                                                                    (hết)
                                                                                                                                            Đỗ Ngọc Thạch
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 08.11.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________


                          11 Đỗ Ngọc Thạch


CHUYỆN CHÀNG LÍA
 

Chiều chiều én lượn Truông Mây (*)
Cảm thương chú Lía bị vây trong rừng…

    Lía là người Quảng Ngãi, nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ Lía tần tảo nuôi con. Khi bố mất, Lía chưa tới mười tuổi nhưng đã có sức khỏe khác thường. Những khi nhà không còn cái gì ăn, đêm tối, Lía đem theo một con dao thật bén, đột nhập vào chuồng bò của mấy nhà giàu, xẻo cả tảng thịt đem về. Mấy nhà giàu trong vùng đều thấy trâu bò của mình bị bóc từng mảng thịt như thế, tưởng là chó sói, phục bẫy bắt nhưng không được…
    Ở vùng quê Lía có nhiều thầy dạy võ, Lía rất muốn học nhưng không có tiền nên chỉ lảng vảng nhìn trộm. Vài lần nhìn trộm như thế, Lía lại học được một vài miếng võ. Có ông thầy dạy võ nhìn tướng mạo Lía khác thường thì bảo: "Thằng nhỏ kia, vào đây, chịu đòn nổi năm môn sinh của ta thì ta sẽ thu nhận làm đệ tử”!
    Thực ra, ông thầy này muốn dùng Lía làm vật thí để cho môn sinh tập ra đòn. Lía ưng ngay, chạy vào đứng trơ trơ giữa sân. Lần lượt cả năm người vác roi nhảy tới đánh Lía đều bị Lía túm lấy roi và bẻ vụn! Ông thầy thất kinh, nói: "Thằng bé này có sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ!”.
    Vừa dứt lời, ông thầy nhấc cái cối đá để ở đầu nhà, ném vút vào đầu Lía. Lía xoay người chờ cái cối bay ra sau lưng mới thò tay bắt như bắt một hòn sỏi. Ông thầy cả sợ, đứng ngó Lía trân trân rồi té xỉu! Lía thấy vậy thì bỏ về, vừa đi vừa nghĩ: Mấy ông thầy dạy võ ở đây toàn loại tầm thường cả. Ta phải lên núi tìm Tiên ông mới mong có cái mà học!
    Từ đó, trong bụng Lía đã có ý muốn ngao du, nhưng Mẹ Lía thấy Lía còn nhỏ nên không cho đi. Đến khi xảy ra truyện sau đây thì mẹ con Lía phải bỏ làng quê mà đi.
    Một hôm, Lía vừa đi lấy củi về thì nghe trong nhà có tiếng kêu la hoảng hốt của mẹ. Lía đặt gánh củi chạy vào, giật mình kinh ngạc khi thấy mẹ đã bị lột hết quần áo và lão xã trưởng đang vật lộn cố đè bà nằm ngửa ra. Lía không kịp nghĩ ngợi gì, nhào tới, hai tay nắm chặt lấy đầu lão xã trưởng mà giật mạnh. Mẹ Lía chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã thấy Lía mắt trợn trừng, hai tay nắm chặt cái đầu lão xã trưởng máu mê đầm đìa. Bà mẹ thất kinh nói: "Trời đất ơi!... Con tôi phạm tội giết người rồi!... Trời ơi là trời…”. Lía nói: "Con chỉ cầm đầu lão để kéo lão ra, ai ngờ cái cổ của lão đã đứt luôn! Biết làm sao bây giờ?”. Mẹ Lía nói: "Làm sao nữa, mẹ con ta phải trốn đi thật xa ngay!” Mẹ con Lía vội vàng chôn xác lão xã trưởng xuống nền nhà rồi khăn gói gọn gàng, nhằm hướng Nam mà đi mải miết đêm ngày...
    Một hôm, mẹ con Lía đang lần mò trong một khu rừng thì nhìn thấy từ đằng xa, có hai người lính công sai áp giải một người tù, cổ đeo gông, hai bên gông thấy treo lủng lẳng nào là bình nước, đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh. Hai người lính áp giải chốc chốc lại lấy cán gươm thúc vào lưng người tù giục đi nhanh và lấy ra một thứ đồ ăn, vừa đi vừa nhai. Đang bị cơn đói hành hạ, Lía nói với mẹ:
    - Chúng ta có cái ăn rồi mẹ ơi!
    - Đâu?- Mẹ ngạc nhiên hỏi.
    - Mẹ có nhìn thấy hai người lính đang áp giải một người tù ở đằng kia không?
    Người mẹ nhìn theo cánh tay Lía chỉ rồi nói:
    - Làm sao mà họ cho mẹ con mình đồ ăn được?  Không khéo lại bị ăn roi!  Thôi, lánh mặt đi kẻo mang vạ!
    Mẹ Lía chưa kịp kéo Lía đi thì hai người lính kia đã nhìn thấy mẹ con Lía. Một người chạy lên vài bước, nói to:
    - Đứng lại!... Đứng lại không ta chém đầu!
    Mẹ Lía sợ hãi đứng lại còn Lía chạy vọt đi. Người lính kia tiến sát lại mẹ Lía thì giật mình la lên:
    - Trời đất ơi!... Tiên nữ giáng trần!... Giữa rừng hoang này sao lại có người đàn bà đẹp như tiên!
    Nói thì chậm, làm thì nhanh, tức thì người lính nhào tới mẹ Lía, giật phăng cái áo ném ra xa, tay kia vừa kéo quần người đàn bà tụt xuống… Bỗng nghe có tiếng roạt, một hòn đá to bằng hai nắm tay bay vút tới đập vào đầu người lính phát ra một tiếng rắc. Tức thì người lính đổ vật xuống. Mẹ Lía hoảng hồn chưa biết việc gì xảy ra thì người lính thứ hai đã nhào tới tóm chặt lấy cánh tay trần trắng bóc. Khi bàn tay người lính này vừa chạm vào cánh tay mẹ Lía, một hòn đá nữa đã bay vút tới, cũng trúng đầu. Người lính đổ vật xuống chết ngay.
    Lía chạy tới người tù, bẻ cái gông như bẻ củi khiến người tù kinh ngạc tột độ. Sau khi đã ăn uống no nê rồi, người tù mới nói:
    - Ta vốn là tướng của chúa Trịnh ở ngoài Bắc, chúa Trịnh tàn bạo, triều chính thối nát ta mới bỏ vào Nam theo chúa Nguyễn. Ai ngờ chúa Nguyễn cũng không khác gì… Vua chúa sống xa hoa, còn dân chúng thì quá cực khổ, lại chiến tranh nồi da nấu thịt… Ta tụ tập binh mã dựng cờ khởi nghĩa nhưng chưa kịp hành sự thì thằng phó tướng làm phản, ta bị bắt giải về kinh để xử tội. Nay đã gặp được mẹ con nhà ngươi thật là trời giúp ta…
    Sau đó, người tù kia nhận Lía làm con nuôi rồi tìm một miếng đất có địa thế tốt làm nhà, lập ấp tính chuyện lâu dài. Đất rừng này thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, dân anh hùng hảo hán rất nhiều nên chẳng bao lâu, người cha nuôi của Lía đã liên kết được bè đảng khá đông. Khi Lía lớn lên, Lía ngầm trở về làng cũ liên kết, lôi kéo thêm người lên rừng tụ hội. Gần tới ngày khởi sự, người cha nuôi bỗng bị bệnh mà chết, Lía thay cha chỉ huy, mọi người đều ưng thuận và bàn nhau kéo quân vào Truông Mây xây dựng căn cứ lâu dài… Nghe tin Lía dựng cờ khởi nghĩa, dân hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn theo về rất đông, không kể là dân anh hùng hảo hán, giang hồ tứ chiếng hay là dân thường, bởi chế độ cai trị hà khắc của chúa Nguyễn đã làm họ nghẹt  thở…
*
    Quân của Lía đã nhiều lần đánh phá hai phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi, lấy thóc gạo chia  cho dân nghèo, thanh thế của Lía ngày càng lớn. Chúa Nguyễn mấy lần cử tướng đến đánh dẹp, nhưng Lía dựa vào địa thế hiểm trở của Truông Mây mà chống cự, quan quân đánh mãi không được.
     Lần ấy, có một người cùng làng với Lía đến gặp quan quân hiến kế:
    - Lía thuộc loại hữu dũng vô mưu. Nếu cứ dùng sức mà đánh e hao tổn binh mã bởi Lía có sức khỏe vô địch, bọn tay chân thủ hạ toàn loại anh hùng hảo hán võ nghệ cao cường đều sẵn lòng liều chết vì Lía. Phải dùng mưu độc mới đánh được Lía.
     Hỏi mưu độc là gì, người ấy nói:
    - Lía có tính háo sắc. Ngoài những lúc cầm quân đi cướp phá, Lía lúc nào cũng cặp kè bên vợ. Mà vợ của Lía hiện nay chỉ là một người đàn bà tầm thường, chưa phải loại giai nhân tuyệt thế. Bây giờ, Lía đang đắc thắng, có ý mưu đồ nghiệp bá vương, đang cho người đi tuyển người đẹp về  để làm phi tần như các bậc vua chúa. Vậy ta hãy kén lấy dăm ba thiếu nữ thật xinh đẹp, bày đặt mưu kế kỹ càng, cho người đem đến dâng cho Lía. Lía tất mê đắm tửu sắc, lúc đó ta đem quân đánh úp tất bắt được Lía dễ như lấy đồ trong túi. Đó gọi là mỹ nhân kế.
    Mỹ nhân kế ấy được tiến hành không chậm trễ. Năm người con gái đẹp được một người làng của Lía đưa đến Truông Mây, nói dối là xin gia nhập nghĩa quân để trả thù cho gia đình đã bị quan quân chúa Nguyễn giết hại. Lía tin ngay và lập tức bị sắc đẹp của năm người con gái làm cho mê mẩn. Lía giữ lại cho mình người con gái xinh đẹp nhất, còn bốn người kia thì cho thủ hạ thân tín lấy làm vợ. Hôm sau, một toán quân của Lía đi đánh phá ở phủ Quy Nhơn thắng trận trở về căn cứ, nhân đó  Lía hạ lệnh khao thưởng ba quân ba ngày liền. Đến đêm thứ ba, quân của Lía  hầu như bị say xỉn  gần hết. Bản thân Lía cũng ngủ vùi mê mệt trên tấm phản lớn bằng loại gỗ quý rất nặng và cứng như thép…
    Lía đang như lạc vào một cảnh bồng lai với bầy tiên nữ ríu rít quanh mình thì bỗng giật mình tỉnh dậy khi thấy tiếng pháo nổ rền, tiếng reo hò như sấm rền, lửa cháy ngút trời… Lía bật đứng dậy theo bản năng thì lại lăn kềnh ra nền nhà. Lía thất kinh khi nhận ra cảnh ngộ của mình: Toàn thân Lía bị trói chặt vào tấm phản gỗ nặng chịch, xung quanh Lía là một đám quan quân gươm dáo tua tủa đang reo hò ầm ĩ, xô đẩy, tranh nhau xông vào bắt Lía. Lía trợn mắt gầm lên một tiếng cực lớn, vận công lực bật dây trói. Những sợi dây buộc ở chân Lía bung ra tơi tả, nhưng từ bụng trở lên đến cổ vẫn còn thít chặt Lía vào tấm phản. Lía bật dậy dùng tấm ván ở lưng để đỡ gạt gươm dáo và dùng đôi chân với miếng  "liên hoàn cước” đá bay đầu năm thằng đang nhằm Lía mà chém. Nhìn quanh mình không thấy bóng một tay chân thủ hạ nào, Lía lại gầm lên một tiếng cực lớn rồi phóng vào bóng đêm vô tận của đại ngàn…
*
    Lía mang tấm phản trên lưng, băng rừng, lội suối, vượt đèo đi mãi, đi mãi… Tới một đỉnh đèo kia, Lía thấy một ông già râu tóc bạc trắng như Tiên ông đang tìm kiếm cây thuốc. Lía hỏi:
    - Thưa trưởng lão, đây là đâu vậy?
    Ông lão nói:
    - Đây là đỉnh đèo Mang Yang, có nghĩa là Cổng Trời, hết lối đi rồi… Tráng sĩ sao lại đến nông nỗi này?
    - Tôi là thủ lĩnh nghĩa quân ở Truông Mây, vì mắc phải "mỹ nhân kế” mà quân sĩ tan tành, căn cứ bị đốt phá… Thất bại nhục nhã như thế này, tôi còn mặt mũi nào mà nhìn thấy ai nữa!
    Nói đoạn Lía định lao đầu vào tảng đá mà chết. Ông lão ngăn lại, cởi dây trói  trên lưng Lía rồi nói:
    - Thắng bại là chuyện thường tình của người cầm quân. Bậc anh hùng hảo hán phải tìm cái chết nơi trận mạc. Tráng sĩ còn trẻ tuổi sao lại  chết vô ích như vậy?
    Lía thẫn thờ một lát rồi hỏi:
    - Lão trượng có cao kiến gì chỉ bảo cho Lía này chăng?
    Đáp:
    - Những bậc đế vương ngày xưa nhiều phen trắng tay mà đâu có nản chí, xuôi tay. Thiên hạ nay đại loạn, đó là thời của kẻ anh hùng. Vùng đất này tụ khí đế vương, núi cao vực thẳm hiểm trở là thành trì có sẵn vậy. Điều cốt yếu còn lại là trau dồi bản lĩnh của mình nữa mà thôi. Có được ba điều ấy tất làm nên nghiệp lớn!...
     Lại hỏi trau dồi bản lĩnh như thế nào thì ông lão đáp:
    - Thái quá thì bất cập. Thể lực mạnh quá ắt lấn át trí lực, mà muốn làm tướng cầm quân phải trí dũng song toàn, như hai cái cánh của đại bàng. Nay ta sẽ giúp tráng sĩ giảm bớt thể lực đặng gia tăng trí lực. Đây là bọc linh dược ta tặng tráng sĩ, mỗi ngày chỉ cần ngậm một viên, sẽ thấy đầu óc minh mẫn, sáng láng khác thường…
    Lía nhận bọc thuốc, chưa kịp nói gì đã không thấy ông lão đâu nữa! Lía mở bọc thuốc, thấy hương thơm kỳ lạ bay ra, cho vào mồm nếm thử thấy ngọt bùi thơm mát khác thường, phút chốc viên thuốc đã tan biến trong miệng! Chỉ giây lát Lía đã thấy cảm giác sảng khoái khó tả dâng lên, nhìn lên trời cao thấy rõ từng  giọt nước li ti trong những đám mây, nhìn xuống đại ngàn xanh thẳm thấy rõ từng cái gân lá ở xa tít tắp!...
    Lía sung sướng cầm bọc linh dược rảo bước. Được một lúc, Lía thấy bụng đói cồn cào, bỗng quên khuấy lời dặn của ông lão, lấy bọc thuốc ra, ăn hết viên này tới viên khác. Khi Lía đã ăn hết bọc linh dược, một con suối tuyệt đẹp hiện ra trước mắt, nước trong vắt róc rách uốn lượn như một dải lụa trắng khổng lồ. Lía đi sát tới bờ suối thì giật mình kinh ngạc khi nhìn thấy một tốp thiếu nữ đang trần mình nô giỡn trong dòng nước. Lía đứng ngây ra như tượng. Nhìn thấy Lía, các cô gái ào tới té nước vào người Lía như mưa rào rồi người lôi người kéo Lía xuống nước. Lía bị các cô gái lột hết quần áo từ lúc nào không hay!?
    Quá thẹn thùng lại cả kinh hãi, Lía lao đầu vào tảng đá lớn bên bờ suối mà chết. Dân trong vùng đã tới chôn cất Lía đàng hoàng bên bờ suối, đó là suối K’Tung. Về sau, người ta đồn rằng, trên mộ Lía mọc lên một loài cỏ có lá dài như ngón tay, có hinh dáng như lưỡi gươm, màu xanh đậm như rêu, cực kỳ cứng. Lá cỏ này có tác dụng điều giảm sự kích dục rất nhạy. Nhiều nhà sư luyện võ thuật thường dùng lá cỏ này để điều hòa dục tính…
                                                                                                                                     Sài gòn , 1995-2010
                                                                                                                                            Đỗ Ngọc Thạch
_______________
(*) Căn cứ của Chàng lía là Truông Mây, ngày nay thuộc địa phận xóm Ba, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, cách huyện lỵ khoảng 3km. Có giả thiết cho rằng chàng Lía vốn tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định).

Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 03.12.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________


                           11 Đỗ Ngọc Thạch



Ở  TRỌ 


    Có hai cửa ải quan trọng đối với "dân ngoại tỉnh” khi đến những thành phố lớn là ở trọ và đi làm thuê kiếm sống. Hai cửa ải này "liên thông” với nhau nên cùng lúc vượt qua cả hai cửa ải không hề đơn giản. Phải là người đã từng "Nếm mật nằm gai” như Việt Vương Câu Tiễn mới có thể  đồng cảm với điều tôi vừa nói. Có lẽ tôi là người có "Quý nhân phù trợ” cho nên việc vượt qua hai cửa ải nói trên tuy cũng trần ai như ai nhưng cũng không đến nỗi nào, công việc thì cũng "sạch sẽ”, vừa sức và cả năm chỗ mà tôi đã từng ở trọ thì đều thuộc loại một, hai sao – tức có đầy đủ tiện nghi tối thiểu chứ không phải dạng "một mình một chiếu” trong một lán trại đông đúc như dân công hỏa tuyến thời chiến tranh!
    *
    Nhà đầu tiên tôi ở trọ là nhà ông Hòa, ở trong một ngõ hẻm rộng của đường N.T. Lựu thuộc Quận 3. Đây là một khu vực đẹp cả về nhà cửa và đường phố của Quận 3. Chủ nhà, tức ông Hòa là một cựu chiến binh, đã về hưu được dăm ba năm. Hồi chiến tranh, ông là lính cảnh vệ, bảo vệ an toàn cho căn cứ và thủ trưởng nào cần đi đâu thì đều muốn ông đi bảo vệ. Vì thế, khi hết chiến tranh, ông Hòa về thành phố, được các thủ trưởng cũ quan tâm đặc biệt, phân cho một căn nhà khá rộng rãi (4mx25m). 
    Căn nhà của ông Hòa thuộc loại "trung lưu”, tức không phải vi-la biệt thự nhưng khá đẹp: một trệt một lầu, sân trước 3 mét, sân sau bảy mét, tức diện tích căn nhà chỉ còn 4mx15m=60m2, nhưng với gia đình chỉ có 4 người, hai vợ chồng ông Hòa và hai đứa con (từ 10 đến 15 tuổi) thì quá ư rộng rãi. Vợ ông Hòa khi ở trong cứ làm chị nuôi, được các thủ trưởng rất quý (và đã đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới với anh lính cảnh vệ Hòa) nên khi về thành phố, được biên chế vào ngành thương nghiệp rồi giao cho phụ trách hẳn một cửa hàng bách hóa. Vì thế, khi về hưu, bà Hòa làm một cái tủ "Bách hóa” nho nhỏ, bán tại nhà, cũng đủ tiền chợ cho cả nhà. Song, khi hai đứa con lớn dần lên thì lương hưu của hai vợ chồng và cả cái tủ "Bách hóa” cũng không đủ chi tiêu tối thiểu nữa, vì thế ông Hòa quyết định cho thuê toàn bộ phần trên gác sau khi đã mở rộng thêm diện tích trên phần sân trước và sân sau, cũng được 4mx10m=40m2. Như vậy, toàn bộ diện tích cho thuê tổng cộng là 100m2, chia là năm ô, mỗi ô 20m2, tức ngang 4 m, sâu 5 m, cho một hộ "tiểu gia đình” (hai vợ chồng và một đứa con – mô hình "tiểu gia đình” này là khách ở trọ khá phổ biến bởi bất kỳ chàng trai cô gái nào yêu nhau mà chỉ có "hai trái tim vàng” thì đi ở trọ là cách tốt nhất để bảo vệ Tình yêu!) thuê là quá đẹp! Tôi đi ở trọ cũng không ngoài cái công thức khá phổ biến là "Một căn phòng trọ, hai trái tim vàng!”…
    Khi tôi đến nhà ông Hòa hỏi thuê nhà thì chỉ còn một phòng ở trên chỗ sân sau, nó ở ngay trên chỗ nhà bếp và khu nhà vệ sinh (sàn lát gỗ) nên khá ồn và nhiều mùi xú uế, nhưng nó lại liền kề với con hẻm nhỏ phía sau nhà (có cổng sau) nên cũng khá thoáng mát…Công việc tôi làm lúc này chỉ là nhận đánh máy bản thảo cho mấy nhà xuất bản, được đồng nào hay đồng ấy bởi người chủ cái "tiểu gia đình” của chúng tôi là vợ tôi, đang làm y tá ở Bệnh viện, tạm thời có thể "nuôi sống” cái "tiểu gia đình” này! Vì thế, những khi hết việc, tức hết bản thảo, tôi thường đem cái máy chữ xách tay Olympia ra chỗ rẽ ở cầu thang, ngồi gõ tí tách đủ các thể loại (tùy hứng) và bao giờ cũng vậy, vừa gõ xong một trang, đang thay giấy thì nghe vọng tới tiếng hát đến nao lòng:
          Con chim ở đậu cành tre  
          Con cá ở trọ trong khe nước nguồn  
          Cành tre ... í ... a  
          Dòng sông ... í ... a  
          Tôi nay ở trọ trần gian  
          Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ...
    *
    Tôi ở trọ được hai ngày thì người hát những câu hát trên xuất hiện: đó là một cô gái có dáng hiền thục thôn nữ, nhưng thoắt cái đã tỏ ra rất tinh ranh, nghịch ngợm. Cô gái ở ngay nhà kế bên. Mỗi khi phơi đồ, cô gái đều hát một bài gì đó. Khi thấy tôi ngừng đánh máy và nghểnh tai lên để nghe thì cô gái cười khanh khách và nói: "Cho anh kia nghe miễn phí nhưng nhớ là khi nào tôi cần đánh máy đơn từ gì đó thì làm giùm nghe không?”. Nghe cô gái nói vậy, tôi nghĩ bụng: cô gái này có giọng hát mê đắm lòng người, thế nào cũng trở thành ngôi sao ca nhạc nếu thời cơ đến!”. Quả nhiên, ngày hôm sau, cô gái sang nhờ tôi đánh máy tờ đơn xin dự tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Tất nhiên là mấy tờ nữa gồm tóm tắt lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, bản sao học bạ - cô gái tên Hoa, đang học năm cuối trung học phổ thông, v.v…Trong khi ngồi chờ tôi đánh máy, cô gái nói: "Thực ra, em cũng không muốn bỏ học giữa chừng thế này nhưng không hiểu sao, hai năm nay em cứ học trước quên sau, các công thức, định lý chẳng nhớ được cái nào nên khi làm bài tập không biết xoay trở ra sao? Nói chuyện với mẹ, mẹ em bảo em không thích hợp với việc học hành nữa mà nên phát huy sở trường ca múa của mình. Con người ta làm gì cũng đều cao quý miễn làm tốt và được mọi người ủng hộ!”. Tôi nói ngay: "Mẹ cô nói đúng đấy. Cô có giọng hát rất lạ, rất quyến rũ, thế nào cô cũng thành công! Khi nào biểu diễn ở đâu nhớ cho tôi biết nghe!”. Cô gái cười rất hồn nhiên, nói "Nhất định rồi!” rồi cất tiếng hát:
          Xưa kia ở đậu miền xa 
          Cơn gió ở trọ bao la đất trời  
          Miền xa ... í ... a  
          Trời đất ... í ... a  
          Nhân gian về trọ nhiều nơi  
          Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng …
    Cô gái đột ngột ngừng hát rồi lại cười khanh khách, nói: "Em chỉ làm ca sĩ khoảng dăm năm, kiếm được ít tiền thì tu sửa cái nhà thành nhà cho thuê! Mẹ em nói đúng lắm, mọi chuyện đều sẽ trôi đi theo thời gian nhưng chuyện ở trọ thì muôn đời không bao giờ mất đi, bao giờ cũng có người cần ở trọ!”. Tôi đã đánh máy xong, cô gái cầm lấy và cám ơn rối rít rồi lại hát:
          Mây kia ở đậu từng không  
          Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người  
          Từng không ... í ... a  
          Người xinh ... í ... a  
          Tim em người trọ là tôi  
          Mai kia dù có xa xôi cũng gần 
  
    *
    Năm năm trôi qua thật nhanh…Tôi chỉ ở trọ nhà ông Hòa hai tháng thì một người quen vợ tôi tới nói: "Tôi có một phòng mạch ở quận 5, định tu sửa lại cho khang trang nhưng chưa đủ tiền. Vậy nếu hai người không chê thì đến ở tạm, coi như trông nhà giùm cho tôi!”. Căn nhà đang làm phòng mạch của ông Bác sĩ này cũng khá rộng, ngang 4 mét, sâu 25 mét, gác gỗ nửa sau, điện nước đầy đủ. Ông bác sĩ và phòng mạch chỉ hoạt động từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, cũng như bao phòng mạch khác. Còn ngoài thời gian đó ra, chỉ có "tiểu gia đình” của tôi. Đúng là cái số tôi có "quý nhân phò trợ”, bởi chỉ mấy tháng sau, "tiểu gia đình” của tôi có thêm một thành viên là cô bé "Tí xíu” – nếu như còn ở trọ (như nhà trọ của ông Hòa chẳng hạn) thì quả là sẽ rất khó khăn!
    Khi cô bé "Tí  Xíu” của "Tiểu gia đình” chúng tôi được năm tuổi thì vợ tôi được Bệnh viện phân cho một "suất nhà”: cùng một người nữa cũng mới cưới nhau, ở chung trong nửa căn hộ 4mx8m bổ dọc thành 2mx8m. "Tiểu gia đình” của tôi (3 người) ở phía trên (gác gỗ), còn 2 người mới cưới ở phần dưới. Tôi phải làm cái cầu thang ở phía trước để vào nhà và một cầu thang ở phía sau để xuống khu vực vệ sinh, giặt rũ! Tuy nhà là của mình, không phải ở trọ nhưng lại quá chật chội và bất tiện! Và điều bất tiện lớn nhất là từ chỗ ở (trên đường Lò Siêu) đến chỗ làm việc của vợ tôi ở Bệnh viện quá xa, phải đi mất gần sáu mươi phút xe đạp!  Vì thế,  khi tôi có việc làm ở một tờ báo thì "tiểu gia đình” chúng tôi lại đi ở trọ, không phải nhà ông Hòa mà một nhà ở trong hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, vợ tôi chỉ bước vài bước là tới nơi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, còn tôi chỉ đạp xe 10 phút là tới tòa báo trên đường Phạm Ngọc Thạch. Thế mới biết, ở trọ vẫn là giải pháp tốt nhất đối với những hoàn cảnh luôn có nhiều khó khăn như "tiểu gia đình” của tôi!
    Một hôm, có việc phải đi qua chỗ nhà trọ của ông Hòa, tôi tạt vào chơi thì cả nhà đi đâu cả, cửa khóa im ỉm. Tôi tính bước ra thì từ trên lầu nhà bên cạnh có tiếng hát vang lên:
          Môi xinh ở đậu người xinh  
          Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều  
          Người xinh ... í ... a  
          Kiều xinh ... í ... a  
          Xin cho về trọ gần nhau  
          Mai sau dù có ra sao cũng đành …
    Tiếng hát vừa ngừng lại thì từ trên ban-công, một cô gái hiện ra, tươi cười dơ tay vẫy vẫy. Mới nhìn thoáng qua, tôi nhận ra ngay cô bé Hoa năm năm trước, không thay đổi mấy, chỉ có điều rực rỡ hơn, quyến rũ hơn mà thôi! Thì ra cái lần ấy, cách nay nãm nãm, Hoa ðã trúng tuyển vào Ðoàn ca múa Bông Sen nhýng cô chỉ xuất hiện trong những tiết mục tốp ca, tốp múa mà không ðứng riêng nhý một "Ngôi sao”!...Cô gái tỏ vẻ hơi buồn vì gặp lại tôi mà chưa thành "Ngôi sao”. Tôi bảo: "Nếu Hoa mà thành Ngôi sao rồi thì tôi làm sao mà gặp được? Thôi, cứ là bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp là tốt rồi, như thế lại lâu bền !” Cô gái nghe tôi nói vậy thì vui hẳn lên, nói: "Mẹ em cũng thường nói như vậy! Bây giờ em không còn quan tâm chuyện thành Ngôi sao nữa mà tập trung vào việc kinh doanh!”. Hoa mời tôi lên tham quan khách sạn bình dân mới hoàn tất, ngày mai là sẽ khai trương. Tôi quan sát một lượt rồi nói: "Cũng được đấy, nhưng sao không nâng cấp lên thành ba, bốn sao có phải là hái ra tiền không? Khu vực này thuộc trung tâm thành phố, sẽ rất đắt khách!”. Hoa cười rất tươi, nói chuyện kinh doanh mà như bàn về ca từ của một bài ca trữ tình: "Em cần tiền nhưng không thuộc loại kiếm tiền bằng mọi giá, càng nhiều càng ít. Em sửa nhà cho thuê là có ý muốn giúp đỡ phần nào những người "Sảy nhà ra thất nghiệp” vượt qua giai đoạn khó khăn mà vươn lên! Chẳng hạn như anh đó, anh bây giờ có còn phải ở trọ không? Nếu có khó khăn thì đến đây em cho ở trọ miễn phí tháng đầu, từ tháng thứ hai chỉ lấy nửa tiền!”. Quả là buồn ngủ gặp chiếu …hoa, "tiểu gia đình” của tôi đến dãy nhà trọ của Hoa ngay ngày hôm sau và sau đó, chúng tôi ở đây gần một năm nữa!
    *
    Dãy phòng trọ ở nhà cô bé Hoa cũng gồm 5 phòng, diện tích cũng 20 m2 một phòng nhưng được trang trí đẹp hơn nhà ông Hòa một chút. Song điều đặc biệt là thành phần người thuê có khác nhau cơ bản: bên nhà ông Hòa toàn những người làm ăn buôn bán ở các tỉnh khác về thành phố để móc nối mối buôn bán, còn bên nhà cô bé Hoa đều là viên chức nhà nước "sa cơ lỡ vận”, hoặc sinh viên mới ra trường nhưng còn đang thất nghiệp!
    Ngay sát phòng tôi  ở trọ là một cô gái  học trường Sư phạm, đã tốt nghiệp, nhưng bị phân đi miền núi nên không đến nhiệm sở. Ngày ngày cô gái đi dạy học (làm gia sư) và tối về thì ngồi viết tiểu thuyết. Cô gái làm gia sư kiếm sống này có gương mặt khá xinh xắn và cương nghị, xem chừng cô sẽ "thi gan” với số phận đến cùng! Đối với những cô gái như thế, khi tiếp xúc nên tránh nói đến chuyện bị phân đi miền núi của cô! Tuy nhiên, thi thoảng mới gặp tôi trong thời gian ngắn ngủi, vậy mà cô gái Gia sư đều nói với tôi chuyện về mấy đứa bạn cùng lớp bây giờ đang ở trên Tây Nguyên dạy học và sống ra sao: "Anh biết không, con Lan bạn em nó nói, giờ lên lớp coi như bằng không bởi vì những đứa trẻ người dân tộc ấy chúng nó nghe và nói tiếng Kinh mình còn chưa được thì học hành cái gì? Chúng nói với nhau bằng tiếng dân tộc, còn nói với cô giáo bằng thứ tiếng lơ lớ như người nước ngoài nói tiếng Việt ấy! Được vài ngày lại có hai ba đứa bỏ học, chẳng lẽ cứ phải đến từng nhà để van nài chúng đi học mà lên lớp thì như vịt nghe sấm? Có mấy thằng con trai lớn tướng thì không lo học mà chỉ tìm cách dụ cô giáo đến nhà để bắt làm vợ! Con Lan nó đã thành vợ của thằng học trò nó tên là Ksor Nhú, cuối năm nay thế nào cũng đẻ ra một thằng "oẳn-tà-roằn”!”. Tôi nói: "Vậy những người bạn của cô đã bị "Tây Nguyên hóa” rồi đó! Đến thế hệ sau thì sẽ có một lớp người nửa Kinh nửa Tây nguyên, rất phù hợp! Lúc ấy chắc sẽ không phải bắt buộc những người không thích đi xa như bạn đến Tây Nguyên nữa! Có lẽ bạn sẽ phải chờ đến lúc ấy mới có thể hy vọng người ta đổi quyết định!”. Cô gái làm Gia sư không hề tỏ ra buồn nản mà lại rất vui: "Em đã quen với cách sống tự do này rồi! Mình vẫn được làm cô giáo mà lại được tự do hoàn toàn! Tự do muôn năm!...À, em có việc này tính bàn với anh, có thể kiếm bộn tiền mà rất dễ dàng: Có khoảng gần mười người đang học hệ Tại chức của Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp phải viết Luận văn tốt nghiệp. Rất tiếc là đề tài của họ toàn là văn học Việt Nam, mà sở trường của em lại là văn học nước ngoài, nhất là văn học Trung Quốc. Vì thế, nếu anh đồng ý thì em sẽ nhận "đấu thầu” hết "cả gói”, tiền công viết tám cái  Luận văn này anh cứ nhận hết, nhưng em cần là cần cái tiếng "Viết Luận văn thuê” vào loại cao thủ, để làm ăn về sau!”. Quả nhiên, sau khi tôi hoàn thành tám cái Luận văn, tiếng tăm viết Luận văn thuê của cô gái Gia sư nổi như cồn cát, đến nỗi năm nào tôi cũng phải bỏ ra chục ngày lẫn đêm để tiếp sức cho cô Gia sư giải quyết những Luận văn tại chức không thuộc sở trường của cô!
    Tuy việc bán chất xám làm cho tôi khá mệt mỏi nhưng không hiểu sao, đúng vào lúc mệt mỏi nhất, tôi lại nghe thấy tiếng hát của cô gái ca sĩ – chủ nhà ngân vang, khiến cho tôi quên hết mệt mỏi và "như người bỗng lênh đênh giữa đời”:
          Trăm năm  ở đậu ngàn năm  
          Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn  
          Ngàn năm ... í ... a  
          Buồn như ... í ... a  
          Ô hay là một vòng xinh  
          Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời … 
    *
    Lẽ ra, những kỷ niệm ở trọ của tôi toàn những chuyện vui nếu như không có một vụ "tự thiêu” xảy ra ở bên dãy phòng trọ nhà ông Hòa. Song, cũng rất may là vụ "tự thiêu” bị phát hiện ngay nên được khống chế ngay! Sự phát hiện vụ "tự thiêu” hoàn toàn tình cờ: sáng hôm ấy, tôi dậy muộn do phải "viết thuê” đến ba giờ sáng. Khi ra ngoài đầu hẻm ăn sáng thì đã chín giờ. Tôi đang ngồi ăn tô phở thì có một người đàn bà ngồi xuống bàn, phía đối diện và nói ngay: "Tôi là bồ của ông Tám Cá Tra, đang ở trọ bên nhà ông Hòa, cạnh chỗ anh cũng đang ở trọ. Tôi phải nói thật với anh là sáng nay, ông Tám Cá Tra có hẹn tôi đến là để cùng "tự thiêu”, vì chúng tôi nợ nần chồng chất, tới tiền tỷ mà xem ra không có khả năng chi trả! Nhưng tôi không muốn chết chung với ông ta và cũng không muốn ông ta chết mà làm liên lụy tới người khác, bởi ông ta sẽ chọn cách tự thiêu! Vì vậy, anh hãy vào nói ngay với ông Hòa, bắt ông Cá Tra giao cho cảnh sát ngay kẻo sẽ xảy ra hỏa hoạn!”. Nghe tới đó, tôi chạy ngay vào nhà ông Hòa, nói với ông Hòa rồi cùng chạy lên phòng của ông Tám Cá Tra. Quả nhiên, ông Tám Cá Tra đang ngồi uống rượu (chắc là đợi cô bồ), sau lưng là hai can xăng đầy!...
    Sau vụ ông Tám Cá Tra, tôi mới nói với ông Hòa: "Khi cho ai ở trọ, ông phải nhìn kỹ mặt người ở trọ sẽ thấy rõ ngay đó là người muốn sống hay muốn chết!”. Ông Hòa ngớ người: "Làm sao mà biết được ai là người muốn sống, ai là người muốn chết?”. Tôi nói ngay: "Người muốn sống thì trên trán có chữ Sinh, người muốn chết thì trên trán có chữ Tử. Đơn giản vậy mà ông không biết hay sao?”. Tôi tưởng nói giỡn chơi ông Hòa vậy rồi thôi nhưng không ngờ hai hôm sau, ông Hòa ăn mặc rất chỉnh tề, qua mời tôi sang làm lễ Bái sư, tức ông sẽ học tôi môn Tướng mạo học, bởi theo ông thì muốn làm chủ nhà trọ, phải biết nhìn người, trông mặt phải bắt được hình dong !...
                                                                                                                                Sài Gòn, tháng 4-2010
                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Thạch
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 24.10.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét